Nỗi đau từ một lá đơn kêu cứu-Bài 1: Mất đất, mất nhà vì tin con 
Báo Quảng Bình nhận được đơn kêu cứu của cụ Phan Văn Các (SN 1937) trú tại thôn Đồng Sơn, xã Sơn Lộc (Bố Trạch) về tranh chấp đất đai giữa cụ với con cháu mình. Trong quá trình xác minh, phóng viên (P.V) nhận thấy đằng sau lá đơn là góc khuất về thân phận một con người hết lòng vì con, vì cháu. Chỉ vì mảnh đất vợ chồng cụ Các khai hoang từ những năm 1976 mà con trai, con dâu rồi cháu đích tôn của cụ tìm mọi cách “sang tên, đổi chủ” lấy hết... đến khi “gần đất xa trời” vẫn chưa đòi lại được.
 
Trong ngôi nhà cấp bốn xập xệ, dột nát, tiếp chuyện chúng tôi, cụ Phan Văn Các đã khóc. Nước mắt rơi ra từ đôi mắt già nua, mù lòa làm quặn thắt lòng người đối diện. Cụ kể, cuộc đời mình tất cả vì con, vì cháu. Vậy mà cuối đời lại sống trong cảnh trắng tay, phải nhờ người viết đơn đòi đất từ chính con cháu mình.
 
Khai hoang đất từ bàn tay trắng
 
Vợ chồng cụ Phan Văn Các, Dương Thị Con (SN 1934, đã mất) vốn gốc gác xã Đồng Trạch (Bố Trạch). Năm 1976, theo chủ trương di dân, giãn dân phát triển kinh tế mới vùng gò đồi phía Tây huyện Bố Trạch, hai vợ chồng tình nguyện lên định cư, khai phá vùng đất nay thuộc thôn Đồng Sơn, xã Sơn Lộc.
 
Quá trình khai hoang, phục hóa tại thôn Đồng Sơn, vợ chồng cụ Các tạo lập được khối điền sản là gần 3.710mđất (trong đó có 300m2 đất ở theo quy định của nhà nước). Trên diện tích đất này, cụ Các xây một ngôi nhà cấp bốn, sinh sống đến tận bây giờ.
Cụ Phan Văn Các.
Cụ Phan Văn Các.
Trao đổi với P.V, cụ Phan Văn Các nghẹn ngào: “Vợ chồng tôi một đời chăm chỉ, tảo tần làm ăn, khai hoang, phục hóa, cải tạo đất đai với mục đích cũng là để lại cho con cháu cả thôi. Từ năm 1976-2006, mặc dù chưa làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng người dân và chính quyền xã Sơn Lộc đều công nhận đất do vợ chồng tôi khai hoang phục hóa, sử dụng ổn định, không có tranh chấp”.
 
Về nguồn gốc đất của gia đình cụ Phan Văn Các, Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc Phan Văn Tiến hiện tại xác nhận: Mặc dù thời kỳ đó, tôi đang nhỏ nhưng vẫn biết rõ quá trình khai khoang, phục hóa của vợ chồng cụ Phan Văn Các. Từ hai bàn tay trắng, tốn không biết bao nhiêu công sức, mồ hôi mới tạo lập nên. Vậy mà đến cuối đời, cụ Các trắng tay, đất đai bị con trai, con dâu, sau đó là cháu nội lấy hết. Ngay như ngôi nhà cấp bốn cụ đang ở, do chính tay vợ chồng cụ cất lên, về danh nghĩa cũng không còn là của cụ.
 
Mất hết tài sản...
 
Trong đơn kêu cứu, cụ Phan Văn Các trình bày: “Vợ chồng tôi có 4 người con, gồm: Phan Thị Kết (SN 1962), Phan Văn Hợp (SN 1966), Phan Thị Lệ (SN 1970), Phan Thị Huệ (SN 1973). Ba con gái lấy chồng, theo chồng. Con trai Phan Văn Hợp sau khi đi bộ đội ở Campuchia về đã kết hôn với con dâu Nguyễn Thị Duyên (SN 1970) ở với gia đình tôi một thời gian thì ra riêng và được vợ chồng tôi cho đất tại địa điểm khác cũng do tôi khai hoang, phục hóa. Năm 2006, vợ chồng tôi nhờ con trai Phan Văn Hợp làm đơn, hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ cho mình. Vì tin tưởng con trai, cũng không biết quá trình Hợp làm hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ như thế nào mà khi nhận “sổ đỏ”, diện tích đất, nhà vợ chồng tôi đang ở lại mang tên chính chủ là Phan Văn Hợp, Nguyễn Thị Duyên”.
 
Theo hồ sơ, tài liệu P.V thu thập được, diện tích đất cụ Phan Văn Các nhờ con trai Phan Văn Hợp làm “sổ đỏ” sau đó đứng tên Phan Văn Hợp, Nguyễn Thị Duyên thuộc thửa đất số 101, tờ bản đồ số 07, xã Sơn Lộc, diện tích 3.710m2, UBND huyện Bố Trạch cấp GCNQSDĐ số AG 424217 ngày 31/10/2006.
Ngôi nhà cấp bốn mục nát của cụ Các có nguy cơ mất luôn vì con cháu.
Ngôi nhà cấp bốn mục nát của cụ Các có nguy cơ mất luôn vì con cháu.
Sau khi phát hiện “sổ đỏ” bị “đánh tráo” từ tên mình sang tên vợ chồng con trai, cụ Phan Văn Các bảo con trai Phan Văn Hợp làm thủ tục đính chính lại. Phan Văn Hợp hứa với bố sẽ điều chỉnh... tuy nhiên lần lữa mãi mà Phan Văn Hợp không chịu thực hiện.
 
Không những thế, năm 2011, vợ chồng Phan Văn Hợp, Nguyễn Thị Duyên âm thầm làm thủ tục tách thửa đất số 101, tờ bản đồ số 07 thành hai thửa đất: Thửa đất số 101, tờ bản đồ số 07, diện tích 2.910m2 (UBND huyện Bố Trạch cấp GCNQSDĐ mới số BD 615899); thửa đất số 1.451, tờ bản đồ số 07, diện tích 800m(GCNQSDĐ số 615900). Cả hai “sổ đỏ” mới này đều mang tên ông Hợp, bà Duyên.
 
Cũng là “những bước đi âm thầm” qua mặt bố mẹ, ông bà Phan Văn Hợp, Nguyễn Thị Duyên tự ý làm hợp đồng chuyển nhượng cho con Phan Thị Nhung và Phan Văn Hồng (cháu nội cụ Các-P.V).
 
Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc Phan Văn Tiến xác nhận: Năm 2021, UBND xã nhận đơn “đòi đất” của cụ Phan Văn Các và thành lập hội đồng hòa giải, tuy nhiên các bên không chấp nhận hòa giải, phải khởi kiện ra tòa nhờ phân xử. Sự việc sẽ không bị đẩy đi quá xa khiến cụ Phan Văn Các mất đất, mất nhà, nếu thời điểm xét đơn và hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ do ông Phan Văn Hợp trình lên năm 2006, cán bộ xã Sơn Lộc kiểm tra, xác minh rõ nguồn gốc đất, ai là chủ sở hữu hợp pháp thửa đất đó. Vì hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ ghi nguồn gốc đất khai hoang năm 1976, ông Phan Văn Hợp sinh năm 1966, mới 10 tuổi thì làm sao mà khai hoang được(?!).

Cụ thể, sau khi cắt thửa đất số 1.451, tờ bản đồ số 07 cho con gái Phan Thị Nhung vào năm 2014 (UBND huyện Bố Trạch đã cấp GCNQSDĐ số BU 545478 cho chị Nhung). Diện tích đất còn lại ở thửa đất số 101, tờ bản đồ số 07, diện tích 2.910m2, ông bà Phan Văn Hợp, Nguyễn Thị Duyên tiếp tục làm thủ tục cấp đổi, UBND huyện Bố Trạch cấp GCNQSDĐ thành số CD 146516, thửa 354, tờ bản đồ số 15, diện tích 3.423m2 (có 513m2 đất tăng thêm). Năm 2017, ông Hợp, bà Duyên lập hợp đồng chuyển nhượng cho con trai Phan Văn Hồng. UBND huyện Bố Trạch lần lượt cấp GCNQSDĐ số CG 569882 (tháng 2/2017) và CH 341259 (tháng 4/2017) cho Phan Văn Hồng.

Việc ông bà Phan Văn Hợp, Nguyễn Thị Duyên tự ý thực hiện chuyển nhượng đất cho con (nguồn gốc sử dụng hợp pháp của vợ chồng cụ Phan Văn Các, Dương Thị Con) chỉ được cụ Phan Văn Các và các thành viên còn lại (Phan Thị Kết, Phan Thị Lệ, Phan Thị Huệ) phát hiện ra vào dịp giỗ 50 ngày cụ Dương Thị Con (cụ Con mất năm 2021). Lúc này mọi sự đã rồi, vì ông Phan Văn Hợp qua đời trước đó (năm 2020). Xót xa hơn, không những mất đất, cụ Phan Văn Các còn mất luôn cả ngôi nhà cấp bốn cũ nát, xuống cấp, xập xệ... bản thân đang ở. Vì ngôi nhà này thuộc thửa đất mang tên cháu ruột mình Phan Văn Hồng.
Báo Quảng Bình
 
>>> Bài 2: Ai tiếp tay khiến cụ Phan Văn Các mất đất, mất nhà?