TỪ QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ LIÊM, CHÍNH ĐẾN VIỆC XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN LIÊM CHÍNH Ở TỈNH QUẢNG BÌNH HIỆN NAY 

Trong lời Bác dạy năm xưa“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời; thiếu một phương thì không thành đất; thiếu một đức thì không thành người”. Với mong muốn xây dựng con người vươn tới sự hoàn thiện về mặt đạo đức, Người yêu cầu mỗi cán bộ cũng phải có đủ tứ Đức, trong đó lấy hai chữ Liêm Chính đặt lên làm đầu. Từ yêu cầu của thực tiễn đất nước, từ sự khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đang ra sức phấn đấu xây dựng một Chính phủ liêm chính. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, yếu tố con người - chính là từng cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước phải thực sự liêm chính.

Vì vậy, thực hành đức Liêm, Chính theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi cán bộ, đảng viên. 

Quang cảnh Hội nghị giao 6 tháng đầu năm toàn quốc về công tác PCTNTC, điểm cầu Quảng Bình 

1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Liêm

Vốn dĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình chịu nhiều ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo nên phần nào có tác động không nhỏ đến triết lý nhân sinh của Người. Nếu như Nho giáo xây dựng nên hình tượng người quân tử với 5 chuẩn mực đạo đức là “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” thì Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở kế thừa và phát triển đã xây dựng hình mẫu người cán bộ với những chuẩn mực đạo đức “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”.

Trước hết, thế nào là Liêm? Với Bác, trong sạch, liêm khiết, thanh liêm chính là Liêm. Theo quan niệm của Người: “Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình.Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”[1,tr 640]. Nếu trong Ngũ thường của Nho giáo (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) không có đức liêm thì với Chủ tịch Hồ Chí Minh, liêm là một phẩm chất không thể thiếu của mọi công dân, bất kỳ ở cương vị nào, từ người cán bộ, người có tiền, có quyền đến người buôn bán, người cày ruộng…

Thứ hai, Người luôn đề cao vai trò, vị trí của đức tính “Liêm”. Coi đây là thước đo đạo đức, thước đo bản lĩnh con người, nhất là khi được giao chức vụ, quyền hạn lãnh đạo, quản lý. Đức “Liêm” của cán bộ, đảng viên sẽ tạo lòng tin đối với Nhân dân, nếu không có hoặc thiếu “Liêm” “mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời”[1.tr 292].

Thứ ba, đưa ra những phương pháp để thực hiện chữ “Liêm”. Để thực hiện được “Liêm”, cần quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và kiểm soát cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải gương mẫu phải không ngừng nâng cao dân trí “Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hóa ra liêm”[1.tr260]

Thứ tư, chỉ ra những biểu hiện trái với “Liêm”.Chiều sâu tư duy Chủ tịch Hồ Chí Minh là so sánh “liêm” với “bất liêm” hết sức sâu sắc. Người dẫn lời Khổng Tử: “Người mà không liêm, không bằng súc vật”. “Bất liêm” theo Người trước hết là tham tiền, của cải vật chất. Cái gốc rễ chính là “tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên… Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình...”[2.tr126].

Như vậy, với Bác liêm khiết là một trong những phẩm chất đạo đức cơ bản nhất, tạo nên giá trị đích thực của con người. Thực hiện chữ liêm không chỉ là trách nhiệm mà còn là bổn phận, nghĩa vụ của mỗi công dân mà nó còn tạo nên giá trị chân chính cho mỗi người, hun đúc nên giá trị cao quý cho cả một dân tộc, một quốc gia.

2. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Chính”

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu những tinh túy cái thiện của Đức Khổng Tử và Đức Phật. Chữ “Chính” của Người là sự tiếp thu, phát triển từ chữ “Chính” trong thuyết “Chính danh” từ đạo Nho của Khổng Tử và học thuyết của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni với quan niệm cái đích chữ “Chính” là cái đích hướng thiện, loại bỏ cái tà, cái ác... Nội dung chữ “Chính” của Bác có cả những điều trong chữ “Chính” của tinh hoa văn hóa nhân loại, đó là xu hướng hướng thiện, hướng tới cái chính, không chấp nhận cái tà, cái ác.

Trước hết, Người đưa ra định nghĩa “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn”[2.tr127], “là việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh”[2.tr127]. Người có đức Chính là người chính trực, đúng mực, công tâm, họ luôn hành động theo lẽ phải, kiên quyết bảo vệ lẽ phải.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra tầm quan trọng của đức Chính bằng cách chỉ ra vị trí của Chính trong tứ đức. Trong “liêm” có “chính”; có “cần”, “kiệm” thì có “liêm”; nhưng cũng có khi có “liêm” mà chưa thể có “chính” hoàn toàn. Cho nên trong bốn đức “Cần, kiệm, liêm, chính” mà Bác dạy, chúng ta thấy “Chính” độc lập tương đối, đồng thời cũng là cái đức khó thực hiện nhất trong bốn đức. Trong đời sống “Chính” có ý nghĩa vô cùng sâu rộng, vô cùng cần thiết, nhưng không phải ai cũng thực hiện được, nhất là trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường hiện nay.

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những biểu hiện cụ thể của đức Chính, khi con người có 3 mối quan hệ với mình, với người, với việc, thì người có đức chính phải hành xử theo nguyên tắc “Đối với mình thì không tự cao, tự đại… Đối với người thì phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ… Đối với việc thì phải để việc công, lợi chung lên trước việc tư, lợi tư”.

Như vậy, hiểu và làm được chữ “Liêm” chữ “Chính” trong tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề đơn giản mà nó là niềm tin, là cội nguồn của sự đoàn kết, là biểu hiện của một xã hội chân chính, một Đảng chân chính, một tương lai chân chính, bắt đầu từ mỗi con người chân chính.

Hai bị cáo Hoàng Văn Đức, Nguyễn Ngọc Sơn tại phiên tòa ngày 12, 13/7/2024 xét xử vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại xã Hoàn Trạch, huyện Bố Trạch

 

3. Xây dựng chính quyền liêm chính theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ yêu cầu của thực tiễn khách quan, từ ý thức vận dụng sáng tạo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, tỉnh Quảng Bình đã quyết tâm xây dựng chính quyền liêm chính, xem đây là tiêu chí hành động, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt.

Một là, đã tăng cường phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, của người dân trong việc nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức.

Các cấp ủy đảng đã chủ động ban hành văn bản chỉ đạo chính quyền, chuyên môn cùng cấp, như Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án văn hoá công vụ; các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị gắn liền với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2015 của Bộ Chính trị khoá XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã kịp thời cụ thể hóa thành các chuẩn mực đạo đức với phương châm “Sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ đánh giá kết quả”, phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị, đặc thù của từng ngành, lĩnh vực để triển khai thực hiện.

Hai là, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đặc biệt coi trọng.

Công tác đấu tranh PCTN, TC thời gian qua luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nhờ đó, việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả; phát huy được ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh phòng ngừa tham nhũng.

So với cùng kỳ năm 2023, công tác PCTN, TC và phát hiện tham nhũng trong 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện có hiệu quả hơn. Cụ thể, số vụ án, số bị can được phát hiện, khởi tố mới trong 6 tháng đầu năm 2024 là 5 vụ/8 bị can, tăng 1 vụ và 3 bị can so với cùng kỳ năm 2023; số vụ án, số bị cáo đã được đưa ra xét xử 7 vụ/ 7 bị cáo, tăng 4 vụ và 4 bị cáo so với 6 tháng năm 2023.[4]

Trong thời gian tới, tỉnh tập trung phát hiện xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như: Quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, tài nguyên, khoáng sản; quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; thực hiện chính sách xã hội; ngăn chặn, xử lý những biểu hiện “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau”...

Ba là, tạo sự đột phá về cải cách hành chính tỉnh Quảng Bình năm 2024.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định công tác cải cách hành chính là một trong bốn chương trình hành động trọng tâm đột phá nhằm đẩy mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2020-2025. Trên cơ sở chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Bình năm 2021 và các năm tiếp theo để cụ thể hóa Chương trình hành động; đồng thời, tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Kế hoạch tới tận chính quyền cấp cơ sở. Phương châm của năm 2024, đó là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.

Bốn là, hoàn thiện các quy chế về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền liêm chính trong giai đoạn mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 01-QĐ/TU ngày 03/3/2016 quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý. Các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thành nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện việc học tập và làm theo, tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Thực hiện Quy định số 478-QĐ/TU ngày 28/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, Quy định số 122-QĐ/BCS ngày 11/5/2022 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu thuộc diện Ban cán sự đảng UBND tỉnh quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong năm 2023, không có trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu chưa thực sự nêu cao vai trò trách nhiệm và bị xử lý nghiêm minh theo quy định, nhằm răn đe, cảnh tỉnh. Cụ thể, có 18 trường hợp bị xử lý kỷ luật, trong đó: Buộc thôi việc 2 trường hợp; cảnh cáo 5 trường hợp; khiển trách 11 trường hợp.[3]

Năm là, đổi mới, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức công vụ, văn hóa công sở. Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng và niêm yết chuẩn mực đạo đức tại những nơi trang trọng, dễ thấy để mọi người ghi nhớ, tự giác thực hiện và để quần chúng giám sát, tạo chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động trong đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ. Một số cơ quan, đơn vị đã khái quát thành khẩu hiệu sát, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành, tiêu biểu như: Đảng bộ Công an tỉnh  từ năm 2019 đến nay:“Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”; Đảng bộ Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Bình (“Cần - Kiệm - Liêm - Chính - Chí công - Vô tư”); Đảng bộ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới ( “Lương y phải như từ mẫu”); Đảng bộ Cục Thuế (“Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính và Đổi mới”); Đảng bộ Cục Hải quan (“Kỷ cương - Đổi mới - Hiệu quả”),...

Để tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ, văn hóa công sở, ngày 28/02/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công sở. Đẩy mạnh thực hiện các kết luận, quy định về trách nhiệm nêu gương, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng Đảng, Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025.

Quyết tâm xây dựng một chính quyền Liêm, Chính là sự cụ thể hóa sinh động tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Liêm, Chính, là sự đúc kết yêu cầu khách quan của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh nhà trong giai đoạn mới hiện nay./.

Trương Hoài, Trường Chính trị Quảng Bình

 

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.640,tr.292, tr.260,

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, tr.126, tr.127,tr129.

3. https://quangbinh.dcs.vn/chi-tiet-bai-viet

4. https://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/202407/cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-chuyen-bien-tich-cuc-2219606/