Nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực 

 Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ ở cả Trung ương và địa phương, có bước đột phá mới. Bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế để “không thể” tham nhũng, tiêu cực. 

 

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì Phiên họp 26 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì Phiên họp 26 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
    Nổi bật là, đã ban hành nhiều quy định, kết luận liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật (trước đó đã ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, và sắp tới đây là trong lĩnh quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Các quy định này hợp lại thành một hệ thống cơ chế để kiểm soát quyền lực chặt chẽ); kết luận về phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố; về cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc; sửa đổi Luật Đất đai, Luât Các tổ chức tín dụng, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân…
 
    Điểm nổi bật nữa là, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã tập trung xử lý những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được chỉ ra qua đợt tổng rà soát theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo (Qua rà soát xác định 323 nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật, đến nay đã xử lý xong 80 nội dung). Qua đó, góp phần tạo lập hệ thống cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, hạn chế những sơ hở, bất cập dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
 
Theo Noichinh.vn