Khi thẩm quyền người đứng đầu chưa gắn liền trách nhiệm-Bài 1: "Đánh thức"... trách nhiệm 

Để có sự chuyển biến tích cực trong thực hiện các quy định về công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo (KN, TC), kiến nghị, phản ánh (KN, PA) trên địa bàn tỉnh thời gian qua, không thể không nói đến vai trò quan trọng và quyết định của người đứng đầu nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương từ cấp tỉnh đến cơ sở. Tuy nhiên, thực tế ở một số địa phương, đơn vị, người đứng đầu vẫn còn thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo nắm bắt, giải quyết dứt điểm nguyện vọng chính đáng của người dân.

 
Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD và giải quyết KN, TC (gọi tắt là Chỉ thị số 35) ban hành đã “đánh thức” trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các địa phương, đơn vị trong thực hiện chức trách được giao. Có thể nói chưa bao giờ, ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân được lãnh đạo, người đứng đầu các cấp quan tâm, lắng nghe và giải quyết cầu thị như thời gian qua.
 
Từ những nhân tố quyết định
 
Báo cáo tổng kết 10 năm (2014-2024) thực hiện Chỉ thị số 35, công tác TCD, giải quyết đơn, thư KN, TC, KN, PA trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Cụ thể, các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh đã giải quyết 99,8% đơn thư KN, TC, KN, PA của người dân. Qua rà soát, kiểm tra, hiện trên địa bàn tỉnh không còn đơn thư KN, TC, KN, PA tồn đọng, kéo dài.
 
Điều quan trọng nữa là tình hình khiếu kiện đông người từng bước được kiểm soát, không phát sinh “điểm nóng” phức tạp, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Không phải ngẫu nhiên, công tác TCD, giải quyết KN, TC, KN, PA suốt 10 năm qua có được kết quả nêu trên. Trước hết, đó chính là sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, nghiêm túc, trách nhiệm, thường xuyên và liên tục của cả hệ thống chính trị.

Nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở nhiều địa phương, đơn vị ngày càng đi vào nền nếp.
Ngay sau khi Chỉ thị số 35 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành công văn số 497-CV/TU, ngày 10/7/2014 yêu cầu các tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc; đồng thời liên hệ với thực tiễn tình hình KN, TC của địa phương, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung yêu cầu của chỉ thị.
 
Theo thống kê, từ ngày 1/7/2014-30/6/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 30 văn bản nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện về công tác TCD và giải quyết KN, TC. Tổ công tác của Bí thư Tỉnh ủy được thành lập, nhằm kiểm tra, tổng rà soát đơn, thư KN, TC, KN, PA, các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 1 từ ngày 31/12/2009 trở về trước, giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2010-31/12/2020).
 
Từ ngày 1/7/2014-30/6/2024, người đứng đầu các cấp tổ chức 28.423 phiên TCD với 22.902 lượt người, trong đó, người đứng đầu cấp ủy tổ chức đảng 12.654 phiên tiếp dân, đối thoại trực tiếp với gần 6.300 lượt người; Chủ tịch UBND các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiếp 15.769 cuộc/16.629 lượt người (591 đoàn đông người). Qua TCD, cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm 5.825 vụ việc. Về đơn, thư, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã tiếp nhận 14.413 đơn thư KN, TC, KN, PA, thuộc thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết 14.380 vụ việc (đạt 99,8%); 27 vụ việc còn lại đang trong quá trình giải quyết.

Hàng tháng, các cơ quan có chức năng tiếp nhận, xử lý, giải quyết KN, TC cấp tỉnh và các huyện ủy, thị ủy, thành ủy được yêu cầu phải tổng hợp, báo cáo công tác tiếp nhận, xử lý đơn, thư KN, TC gửi về Ban Nội chính Tỉnh ủy, để tham mưu Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh, tránh chồng chéo, trùng lặp trong chỉ đạo xử lý, giải quyết.

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành 56 văn bản về công tác TCD, giải quyết KN, TC và thành lập tổ công tác chỉ đạo giải quyết một số vụ việc KN, TC đông người, phức tạp, kéo dài. Chỉ tính riêng, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy cũng ban hành 182 văn bản; các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành 386 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác TCD, giải quyết KN, TC thuộc phạm vi thẩm quyền. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác TCD, giải quyết KN, TC, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm và hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, quyền KN, TC, cố ý vi phạm pháp luật để xử lý theo quy định. Qua đó, tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác TCD, giải quyết KN, TC.
 
Những tồn tại và trách nhiệm người đứng đầu
 
Bên cạnh những kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35, quá trình tổ chức, thực hiện còn gặp một số hạn chế, khó khăn và vướng mắc. Đáng chú ý trong số đó là việc một số cấp ủy, chính quyền cơ sở và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự coi trọng, quan tâm đến công tác TCD, giải quyết KN, TC, KN, PA; chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 35 trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
 
Thực tế, không khó để nhận thấy nhiều biểu hiện của tình trạng nói trên, như: Quá trình giải quyết một số vụ việc KN, TC, KN, PA của người dân vẫn còn kéo dài và chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận. Chất lượng TCD, giải quyết KN, TC, KN, PA của cấp cơ sở và cấp có thẩm quyền chưa cao; không ít sự việc tồn đọng kéo dài thời gian qua cho thấy người đứng đầu, nhất là cấp cơ sở còn lúng túng, thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thậm chí né tránh, đùn đẩy trong giải quyết. Chỉ đến khi, người dân tìm đến cấp trên, được lãnh đạo, người đứng đầu cấp tỉnh chỉ đạo xác minh, vụ việc mới được giải quyết dứt điểm.
 
Qua giải quyết KN, TC, các cơ quan có thẩm quyền thu hồi hơn 3 tỷ đồng và hơn 82.000m2 đất, KN trả cho tổ chức hơn 4.600m2 đất; trả lại công dân hơn 3,7 tỷ đồng và hơn 7.500m2 đất, thu hồi 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 3 vụ/3 cá nhân, kiểm điểm trách nhiệm và kỷ luật đối với 6 cá nhân, xử lý hành chính 24 tổ chức và 155 cá nhân.

Vì vậy, thời gian qua, một số cán bộ, người đứng đầu bị xử lý kỷ luật vì thiếu trách nhiệm trong TCD, giải quyết KN, TC. Xét cho cùng, cấp cơ sở không chỉ là nơi gần dân, hiểu dân và dễ dàng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân nhanh nhạy, kịp thời nhất, mà còn là nơi thường phát sinh KN, TC, KN, PA, nếu không giải quyết kịp thời, hệ lụy xảy ra sẽ khó lường.

Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35 của hầu hết đơn vị, địa phương đều thẳng thắn nhìn nhận và chỉ rõ tồn tại đáng lo ngại này. Vậy, làm sao để sớm nhận diện được những người đứng đầu thiếu trách nhiệm? Và chế tài nào giám sát, kiểm tra và xử lý đối với những trường hợp này? Bởi theo dự báo, thời gian tới, tình hình đơn thư KN, TC tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là nhiều sự kiện chính trị quan trọng sắp diễn ra, như: Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, các kỳ họp của Trung ương Đảng, Quốc hội và việc triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn...
 
Cùng đó, tình trạng liên kết, kích động KN, TC cán bộ trong các lĩnh vực quản lý đất đai, tài chính ngân sách, thực hiện chính sách xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Nhiều đối tượng lợi dụng các sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật, những hạn chế, khuyết điểm trong giải quyết KN, TC của một số cơ quan có thẩm quyền để xúi giục, kích động, lôi kéo người dân KN, TC, KN, PA, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Theo Báo Quảng Bình
 
>>> Bài 2: Việc trong "tầm tay", loay hoay né tránh