Một số kết quả thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình 

 Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, từ năm 2014 đến năm 2020 tỉnh Quảng Bình đã tổ chức đóng mới và nâng cấp 87 tàu cá (55 tàu vỏ gỗ, 01 tàu vỏ composite, 31 tàu vỏ thép) theo đúng chỉ tiêu được giao; việc thực hiện đóng mới và nâng cấp bảo đảm quy trình từ các bước khảo sát, đánh giá đối tượng đủ điều kiện để được hỗ trợ; việc thực hiện về chính sách đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác bảo đảm công khai, chặt chẽ, đúng quy định, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện các chính sách theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.

 

  

Cuộc họp Ban Chỉ đạo  thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP tại Quảng Bình.

 Nguồn: sưu tầm intenet

 

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung có tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhờ có Nghị định nên đã thúc đẩy ngư dân đóng tàu to, máy lớn (đóng mới hoặc nâng cấp tàu có công suất dưới 400HP lên tàu có công suất trên 400HP) với các trang thiết bị hiện đại để vươn khơi bám biển, hoạt động dài ngày trên biển ở các ngư trường xa bờ, tăng năng suất, hiệu quả khai thác thủy sản góp phần thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh, chuyển dần từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần bảo vệ vùng biển của Tổ quốc theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 4 (khoá X) của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường sức mạnh quốc phòng an ninh trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn có một số tàu cá đóng mới, nâng cấp hoạt động không hiệu quả và không trả được nợ cho ngân hàng theo hợp đồng đã ký kết; việc đền bù theo Hợp đồng Bảo hiểm cơ bản được thực hiện đúng quy định, tuy nhiên vẫn còn có một số trường hợp Công ty Bảo hiểm bồi thường thiệt hại kéo dài, có trường hợp bị từ chối bảo hiểm; …

Một số nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm

- Nguyên nhân khách quan: Tổng mức đầu tư đóng mới cao do phải thuê đơn vị tư vấn xây dựng dự toán, thẩm định dự toán, hóa đơn chứng từ, tàu có kích thước lớn tốn nhiều vật tư, máy mới công suất lớn nhập khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc …, trang thiết bị trên tàu hiện đại trong khi sản phẩm khai thác không tăng tương xứng theo tỷ lệ đầu tư dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; chủ tàu khó khăn trong việc trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Quy định hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép chưa phù hợp, chậm ban hành nên nhiều tàu vỏ thép của tỉnh đã thực hiện duy tu sửa chữa nhưng không được hỗ trợ. Một số chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP giảm mức hỗ trợ hoặc bãi bỏ theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP gây khó khăn cho các chủ tàu. Sự cố môi trường biển năm 2016 do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra và đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các tàu cá trong tỉnh nói chung và tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP nói riêng. Thời gian thu hồi lãi suất không phù hợp với thực tế nghề khai thác thủy sản.

- Nguyên nhân chủ quan: Đa số chủ tàu là chủ đầu tư không có nhiều kinh nghiệm, năng lực quản lý dự án đầu tư lớn, đặc biệt đóng tàu vỏ thép; chủ tàu, thuyền trưởng chưa có kinh nghiệm trong việc vận hành tàu vỏ thép, vỏ composite, tàu cá được trang bị các thiết bị hiện đại. Việc duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá chưa được thực hiện thường xuyên, đúng quy định, đặc biệt tàu vỏ thép nên tàu bị xuống cấp, hư hỏng khó sửa chữa hồi phục, dẫn đến giá trị của tàu giảm nhanh. Một số chủ tàu chưa có ý thức trong việc duy tu sửa chữa; một số chủ tàu sản xuất không hiệu quả nên không có kinh phí thực hiện duy tu, sửa chữa; một số tàu bị ngân hàng thu giữ, xử lý nợ dẫn đến tàu nằm bờ không đi khai thác, không được bảo dưỡng thời gian dài. Một số chủ tàu hoạt động có hiệu quả nhưng do có tư tưởng chây ỳ, không trả nợ cho các ngân hàng, trông chờ, hy vọng Nhà nước sẽ xóa nợ, giản nợ. Ý thức của các chủ tàu về việc vay vốn đóng tàu chưa phù hợp với chủ trương của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; đa số các chủ tàu xem con tàu là tài sản Ngân hàng, của Nhà nước, không phải tài sản của mình nếu không làm được thì trả cho Ngân hàng, Nhà nước.

Một số đề xuất, giải pháp trong thời gian tới

- Nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tàu cá đang hoạt động tiếp tục duy trì hoạt động khai thác hải sản bình thường, bảo đảm tàu cá không bị xuống cấp, hư hỏng, giảm giá trị tài sản;

- Các Ngân hàng thương mại cổ phần xem xét cơ cấu lại thời hạn và nhóm nợ đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo qui định để tháo gỡ khó khăn, ổn định cuộc sống của ngư dân.

- Tăng cường vận động các chủ tàu cá tham gia bảo hiểm tàu cá nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khi có rủi ro trong quá trình khai thác thủy sản; chủ động tìm hiểu các Công ty Bảo hiểm có uy tín để tuyên truyền, hướng dẫn, có định hướng các chủ tàu khi tham gia bảo hiểm, tránh các trường hợp bị từ chối bảo hiểm khi có rủi ro xảy ra.

 

Lê Văn Mạnh

Phòng TDCT PCTN