Tăng cường phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lứa tuổi học sinh
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ việc phạm tội và vi phạm pháp luật (VPPL) do các nhóm đối tượng trong độ tuổi học sinh gây ra; tập trung chủ yếu vào các hành vi cố ý gây thương tích; gây rối trật tự công cộng; sử dụng trái phép chất ma túy; nhiều đối tượng trong lứa tuổi học sinh điều khiển xe máy, xe máy điện khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện mô tô, xe máy, xe điện; chạy xe với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bốc đầu, nẹt bô, vi phạm trật tự, an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông…
Ban Chỉ đạo chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, AIDS, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) vừa ban hành Công văn số 142/BCĐ về việc tăng cường phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lứa tuổi học sinh. Nổi lên là vụ việc nhóm 11 học sinh ở huyện Bố Trạch gây hấn, rượt đuổi, chém nhóm 04 học sinh khác ở huyện Quảng Trạch làm ngã xe chết 02 người, bị thương 01 người; vụ nhóm 08 học sinh ở xã Lương Ninh và thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh điều khiển xe máy, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng hung khí rượt đuổi nhóm 03 học sinh ở xã Vĩnh Ninh đập phá hư hỏng 01 xe máy; vụ 2 nhóm học sinh lớp 7 và lớp 8 ở xã Nhân Trạch vì mâu thuẫn cá nhân mà đánh nhau, làm 01 cháu thương tích nặng phải cấp cứu; hay như vụ việc nhóm 24 thanh niên ở Lệ Thủy sử dụng 10 xe mô tô các loại, mang theo gậy, típ sắt, dao, vỏ chai bia chạy trên đường thôn lạng lách, hò hét gây rối trật tự công cộng… Các vụ việc xảy ra gây bức xúc dự luận trong Nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự (ANTT) trên địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu để diễn ra thực trạng trên là do: (1) Nhiều phụ huynh chưa thực sự gần gũi, quan tâm đúng mực đến con cái, nhất là các trường hợp gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu thốn tình cảm, bố mẹ ly hôn hoặc VPPL nên các em dễ tụ tập với những đối tượng cùng hoàn cảnh hoặc bị bạn bè xấu lôi kéo phạm tội, VPPL; (2) Độ tuổi của các em còn thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng sống, bồng bột, hiếu thắng, hằng ngày tiếp xúc với mặt trái của các trang mạng xã hội, game online, phim ảnh mang tính bạo lực… nên dễ bị lôi kéo, kích động; (3) Công tác giáo dục, định hướng lối sống trong các trường học còn chưa được chú trọng; (4) Công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực như internet, cầm đồ… còn sơ hở cho các đối tượng học sinh chơi game online ở gần khu vực trường học, cầm cố xe máy, xe điện để có tiền tiêu xài; (5) Sự vào cuộc của các cấp, các ngành chưa đồng bộ, quyết liệt trong công tác phòng ngừa đối với các đối tượng là học sinh có khả năng phạm tội, VPPL… Ban Chỉ đạo 138 tỉnh triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 Để chủ động phòng ngừa có hiệu quả tình trạng học sinh phạm tội và VPPL, đảm bảo ANTT trên địa bàn, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh là thành viên và Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Đối với Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng học sinh phạm tội và VPPL. Cụ thể là phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối với học sinh và phụ huynh học sinh trong việc chấp hành pháp luật, tăng cường công tác quản lý, giáo dục con em; thiết lập cơ chế ứng phó linh hoạt để tạo điều kiện cho học sinh, cán bộ, giáo viên các trường học, cơ sở giáo dục có thể dễ dàng báo tin cho cơ quan chức năng và nhanh chóng có biện pháp ngăn ngừa, ngăn chặn, giải quyết, không để phát sinh các vụ việc tiềm ẩn nguy cơ học sinh tụ tập gây rối, cố ý gây thương tích, thực hiện các hành vi VPPL khác… Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT; tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh các nhà hàng, quán ăn đêm, cơ sở kinh doanh game online, kinh doanh karaoke… chấp hành thời gian kinh doanh theo quy định; thực hiện các giải pháp quản lý về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là phát hiện, xử lý các cá nhân, cơ sở có dấu hiệu chế tạo, mua bán, hướng dẫn chế tạo, lắp ráp các loại vuc khí, hung khí trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuần tra, kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm, những tuyến đường mà các nhóm đối tượng học sinh thường tụ tập nhằm kịp thời phát hiện, trấn áp; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng và phòng ngừa tội phạm, VPPL. Khẩn trương điều tra các vụ việc liên quan đến học sinh xảy ra trong thời gian qua; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân sớm đưa ra xét xử để răn đe vi phạm. Công an Thành phố Đồng Hới xử lý học sinh điều khiển mô tô đến trường khi chưa đủ tuổi Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm, VPPL và tệ nạn xã hội trong học sinh. Hướng dẫn các nhà trường, giáo viên chủ động nắm bắt các mâu thuẫn trong học sinh; nhắc nhở học sinh, cán bộ, giáo viên các trường học, cơ sở giáo dục kịp thời báo tin cho các cơ quan chức năng các vụ việc tiềm ẩn nguy cơ học sinh tụ tập gây rối, đánh nhau, thực hiện các hành vi VPPL khác… để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý. Xây dựng chương trình học ngoại khóa để tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn kỹ năng, cách phòng tránh việc tham gia các vụ việc tiềm ẩn xảy ra các vụ phạm tội và VPPL đối với học sinh. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường quản lý những nội dung thông tin được đăng tải trên các website, trang mạng xã hội để kiểm soát, hạn chế các thông tin có tính chất tiêu cực, kích động về bạo lực học đường, tội phạm, VPPL và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên. Tổ chức kiểm tra, ký cam kết với các chủ kinh doanh dịch vụ internet không hoạt động quá thời gian kinh doanh theo quy định… Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh chủ động phối hợp với Công an, Viện kiểm sát, Tòa án tích cực đăng tải các tin, bài phóng sự tuyên truyền nhằm cảnh báo tội phạm và VPPL liên quan đến học sinh như: Tình trạng học sinh tụ tập, lôi kéo nhau thực hiện hành vi phạm tội và VPPL về hình sự, VPPL về trật tự an toàn giao thông… Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể và UBND cấp xã tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tại địa bàn dân cư tham gia phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm, VPPL và tệ nạn xã hội trong học sinh; nhất là trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Nâng cao chất lượng công tác cảm hóa, giáo dục những người lầm lỗi tại cồng đồng dân cư. Chỉ đạo Công an cấp huyện, Công an cấp xã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể làm tốt công tác đảm bảo ANTT ở địa bàn cơ sở, tăng cường công tác quản lý nhà nước về ANTT, kịp thời nắm bắt tình hình, thực hiện các biện pháp bảo đảm ANTT, trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đẩy mạnh phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm và VPPL trong lứa tuổi học sinh, góp phần ổn định tình hình ANTT trên địa bàn… Võ Việt Hùng (Phòng Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực) |