Cục Quản lý thị trường: Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử 

Thực hiện Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 (Đề án 319), thời gian qua, Cục QLTT tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT).

Kiểm tra, phát hiện 01 cơ sở vi phạm về hành vi kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet

Xác định chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT là vấn đề vô cùng quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay; là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng quản lý thị trường, trong hơn 02 năm vừa qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã luôn bám sát chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo Đề án 319 để chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh TMĐT; đồng thời tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên môi trường TMĐT.

Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường thường xuyên quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng về nguy cơ, rủi ro và hậu quả của việc buôn bán, sử dụng hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; khuyến khích việc phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm của các đối tượng lợi dụng các website, ứng dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ  và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan.

01 website thương mại điện tử bán hàng vi phạm bị lực lượng QLTT xử phạt

Kết quả: Từ khi triển khai thực hiện Đề án 319 cho đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã tiến hành kiểm tra 34 vụ việc, xử lý 31 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực TMĐT với tổng số tiền xử phạt là 860 triệu đồng; trị giá tang vật vi phạm gần 400 triệu đồng.

 Các hành vi vi phạm chủ yếu được Cục Quản lý thị trường tỉnh phát hiện trong lĩnh vực TMĐT gồm: Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng; kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kinh doanh hàng hoá nhập lậu…. Hàng hóa vi phạm được phát hiện tập trung vào nhóm sản phẩm thời trang (giày, áo, quần, túi xách…); trang sức; phụ kiện điện thoại,…. 

Nhằm góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững, thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh tập trung chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tiếp tục nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả Đề án 319 và các văn bản chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh; chủ động việc tiếp nhận, xử lý thông tin từ người tiêu dùng, doanh nghiệp về các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; thực hiện công tác thẩm tra, xác minh thông tin hoặc giám sát các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

 Bích Đào - Cục Quản lý thị trường Quảng Bình