Báo chí với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNLPTC), hoạt động của báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Báo chí, với tư cách là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của Nhân dân; nên việc thông tin nhanh nhạy, kịp thời với lượng thông tin ngày càng đa dạng, phong phú, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đối với chế độ; tạo động lực quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế là những kết quả mà báo chí đã đạt được thời gian qua. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTNLPTC; hoạt động biểu dương các điển hình tiên tiến trong PCTNLPTC; việc phát hiện các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc do cơ quan có thẩm quyền cung cấp đã được báo chí thực hiện thuờng xuyên, liên tục thông qua việc đưa tin, đăng tải chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về PCTNLPTC. Báo chí đã góp phần tăng tính công khai, minh bạch của hệ thống cơ quan nhà nước, giám sát chặt chẽ hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần hình thành dư luận xã hội một cách mạnh mẽ nhằm bài trừ hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong xã hội. Hoạt động của báo chí đã thông tin kịp thời về các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện, điều tra, xử lý. Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng đã được báo chí phản ánh chân thực, nhiều chiều là diễn đàn để Nhân dân giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, hoạt động báo chí còn là kênh quan trọng cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng để điều tra, làm sáng tỏ nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng cả ở cấp Trung ương và địa phương; là diễn đàn để Nhân dân giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTNLPTC của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, tiền phong, đi đầu trong cuộc đấu tranh PCTNLPTC, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân; báo chí vừa là tai mắt của Ðảng vừa là cầu nối giữa Ðảng với Nhân dân trong cuộc đấu tranh PCTNLPCT đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn. Chính vì vậy, báo chí ngày càng được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, vai trò của báo chí được nâng cao rõ rệt; việc thông tin nhanh nhạy, kịp thời với lượng thông tin ngày càng đa dạng, phong phú của hoạt động báo chí mang lại đã góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đối với chế độ; tạo động lực quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế[1]. Bên cạnh những kết quả đó, thực tế vẫn còn một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, chức năng tham gia quản lý, giám sát xã hội; không ít cơ quan báo chí, nhà báo đã có bài, tin viết mang nội dung thiếu trung thực, thiếu chính xác hay phản ánh chỉ một chiều thông tin về mặt trái của xã hội; số tin, bài phát hiện mới về các vụ việc tham nhũng hay động viên, cổ vũ, bảo vệ người phát hiện, tố cáo tiêu cực, tham nhũng chưa nhiều, có trường hợp mang cảm tính, “câu” khách, một chiều, [2]… Ảnh: (nguồn Internet) Để nâng cao hiệu quả hoạt động của báo chí trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các hoạt động của báo chí, phát huy vai trò, hiệu quả của báo chí trong cuộc đấu tranh PCTNLPTC; thường xuyên rà soát, xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động của báo chí trong đấu tranh PCTNLPTC; các cơ quan chủ quan, cơ quan quản lý và lãnh đạo các cơ quan báo chí cần tập trung, sâu sát trong quản lý, điều hành hoạt động của báo chí và nhà báo, thường xuyên rà soát và nghiêm túc chịu trách nhiệm về nội dung thông tin cung cấp, đăng tải của mình; tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí với các cơ quan, đơn vị có chức năng đấu tranh PCTNLPTC; tăng khả năng tiếp cận thông tin đối với báo chí thông qua việc xây dựng cơ chế khuyến khích, động viên nhà báo dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đi đôi với việc xử lý nghiêm những trường hợp cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm những quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về báo chí như đưa tin sai sự thật, thông tin không kiểm chứng, cố tình tạo ra sự giật gân hay “câu” bạn đọc.
Anh Tâm, Phòng Nghiệp vụ 2 Tài liệu tham khảo: [1]https://thanhtravietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi/bao-chi-nhan-to-quan-trong-trong-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-208193.html [2]TS Nguyễn Xuân Trường, “Hoạt động của báo chí trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay”, NXB Công an nhân dân, năm 2023 |