Ngày xuân viếng mộ Nguyễn Hàm Ninh 
Cầm cuốn gia phả đã úa màu thời gian, với nét nút sắc sảo, khoáng đạt mới thấy được tài năng, cốt cách và bản lĩnh danh nhân Nguyễn Hàm Ninh.
 
Trong tiết trời lất phất mưa xuân, tôi bộ hành viếng mộ Nguyễn Hàm Ninh đang yên nghỉ ở thôn Vân Tiền, đầu tựa lên đỉnh Nhâm Sơn, dưới chân là hồ chứa nước Vân Tiền, xã Quảng Lưu (Quảng Trạch).
 
Tiếp tôi tại tư gia, ông Nguyễn Văn Linh, hậu duệ đời thứ 13 dòng tộc họ Nguyễn cẩn trọng đưa cho tôi xem tập “Nguyễn gia thế phả”, tức gia phả dòng họ Nguyễn được gìn giữ hơn cả báu vật qua bao đời nay.

Lăng mộ Nguyễn Hàm Ninh.
Cuốn gia phả được hoàn thành vào ngày 26 tháng 5 năm Tự Đức thứ 6 (1852) đến nay gần 173 năm. Dòng tộc họ Nguyễn của danh nhân Nguyễn Hàm Ninh có gốc gác ở làng Phù Kinh, nay thuộc xã Phù Cảnh (Quảng Trạch). Sau gia đình ông dời đến sinh sống ở làng Trung Ái, rồi đổi tên là Trung Thuần, tổng Thuận Phong, huyện Bình Chính, nay là thôn Vân Tiền. Ông Linh cho biết “Ông từng được ông nội kể lại rằng, trước đây gốc gác dòng họ Nguyễn của ông ở làng Phù Kinh. Vùng đất chưa nắng đã khô, chưa mưa đã lụt. Về vùng đất Trung Ái, thấy điều kiện ở đây tương đối thuận lợi, khí hậu ôn hòa, đất đai tốt tươi, dân trí phát triển nên ông tổ của ông là Nguyễn Đăng Khoa, đời thứ tư, đỗ tú tài thời Lê, quyết định chuyển về đây sinh sống để thuận lợi trong việc làm ăn và con cái có điều kiện học hành”.
 
Đến Nguyễn Hàm Ninh là đời thứ 8, sinh ngày 11/2/1808, tên tự Thuận Chi, hiệu Tĩnh Trai. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có 5 anh em, 3 trai, 2 gái, ông là con trai cả. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Hàm Ninh đã bộc lộ tư chất thông minh, tài hoa, tính tình phóng khoáng, nho nhã nên được mọi người quý mến. Năm 21 tuổi, ông thi đỗ tú tài. Ba năm sau, tại khoa thi Tân Mão (1831), ông đi thi và đỗ giải nguyên trường thi Thừa Thiên. Ông được thăng chức Tri huyện Lục Ngạn, một huyện miền núi thuộc phủ Lạng Giang, nay thuộc tỉnh Bắc Giang.
 
Năm 1833, cha mất, ông xin về quê chịu tang. Năm 1836, mãn tang cha xong, ông được gọi vào kinh đô Phú Xuân giữ chức Quốc học độc thư. Rồi sau đó, ông được bổ dụng làm chủ sự phủ Tôn Nhân. Cũng trong thời gian này, ông được qua lại cung Tiềm Để để dạy học cho Thái tử Nguyễn Phúc Miên Tông, tức vua Thiệu Trị sau này. Đến năm 1840, vì phạm lỗi, ông lại bị vua Minh Mạng bãi chức, cho về quê sinh sống.
 
Tháng giêng năm Tân Sửu, Thiệu Trị năm thứ nhất (1841), khi đang giữ chức Kiểm thảo, ông được sung chức. Sách Đại Nam thực lục chép “Cho Nguyễn Hàm Ninh làm Kiểm thảo sung chức Hành tẩu ở Nội các”(1). Mùa đông năm 1845, Nguyễn Hàm Ninh được chuyển ra Bắc giữ chức Phó lang. Đến tháng 5 âm lịch năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), ông được thăng chức “Viên ngoại lang ty Cẩn tín là Nguyễn Hàm Ninh thăng quyền Lang trung bộ Lại” (2). Cũng trong tháng 5 nhuận, ông tiếp tục được thăng chức “Quyền Lang trung bộ Lại là Nguyễn Hàm Ninh điệu bổ quyền Lang trung bộ Lễ” (3).
Trang đầu cuốn gia phả “Nguyễn gia thế phả” do Nguyễn Hàm Ninh chấp bút.
Trang đầu cuốn “Nguyễn gia thế phả” do Nguyễn Hàm Ninh chấp bút.
Đến tháng 9, cùng năm, ông lại được bổ dụng chức mới “Quyền lang trung bộ Lễ là Nguyễn Hàm Ninh điệu bổ quyền Án sát Khánh Hòa; Hàm Ninh, Xuân Bảng đều ở lại Kinh, sung làm Khâm điểm viên của bản đạo” (4).
 
Song, niềm vui ngắn ngủi kéo dài chẳng được bao lâu thì ông lại gặp sóng gió. Tháng giêng năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) khi đang giữ chức Án sát tỉnh Khánh Hòa, do cả tin, ông đã xuống thuyền của người Pháp, rồi bị bắt giam, tra khảo, đòi tiền bạc. Ông tìm cách lao xuống biển tự vẫn, may cứu sống được. Sau 10 ngày bắt giam, thuyền Pháp đòi yêu sách không được, mới thả cho về. Sự việc đến tai vua, ông bị bắt đưa về kinh, giao bộ Hình trị tội. “Thự án sát tỉnh Khánh Hòa là Nguyễn Hàm Ninh có tội bị mất chức… Đến khi án dâng lên, Ninh và Vũ Thành, Hoàng Minh đều bị cách chức, phát vãng đến 2 thành Điện Hải, An Hải sung làm quân” (5).
 
Tháng 7 cùng năm, ông được phục chức Hàn lâm viện trước tác làm biên tập trong Sở tu thư, rồi mắc lỗi, ông lại bị khiển trách. Mùa thu năm Mậu Thân niên hiệu Tự Đức năm thứ hai (1848), khi vừa tròn 40 tuổi, bị bệnh, ông xin cáo quan về quê. Điều này được chú giải trong phần nguyên chú bài “Quá hạc Sơn thành dữ Lê Hành tỉnh Từ Hậu (Thúc Đôn) thoại cựu”, tờ 22b, trong tập thơ Tĩnh Trai tiểu thảo trích sao đề cập đến nguyên nhân ông cáo quan “Tự Đức Mâu Thân thu. Tiểu thần bệnh quy…”, nghĩa là Mùa Thu năm Mậu Thân, niên hiệu Tự Đức, tiểu thần bị bệnh về quê. Từ khi về quê đến lúc mất, suốt 20 năm ông sống trong cảnh thanh bần, làm ruộng, bốc thuốc chữa bệnh cứu người và dạy học để kiếm sống. Ông mất năm 1867.
 
Là người tài năng nhưng con đường làm quan của ông luôn gập ghềnh, trắc trở. Hễ được thăng quan, chỉ một thời gian ngắn lại mắc lỗi, bị bãi chức, rồi lại được phục chức. Giới sử gia thời bấy giờ đánh giá một cách ngắn gọn qua bộ sách Đại Nam liệt truyện nhưng khái quát tương đối chính xác về tài năng thi ca cũng như số phận kỳ lạ của ông “Hàm Ninh lấy văn học nổi tiếng, mà số thì lạ, hễ thăng quan là bị miễn khứ; về thơ văn thời trầm tĩnh hùng mạnh khi đè nén khi phô trương và sở trường về lối ngũ ngôn. Thương Sơn công (tức Tùng Thiện vương-NV) vẫn khen, nay có tập thơ văn gọi là “Tĩnh trai”(6).
 
Dù đường làm quan trắc trở nhưng ông luôn giữ được cốt cách, phẩm hạnh của mình. Ông vẫn giữ được tính tình ngay thẳng, đức tính thanh liêm, chẳng màng danh lợi. Và điều quý nhất ở ông là luôn có đời sống tâm hồn hết sức phong phú. Chính thi ca là địa hạt để ông chuyển tải nỗi niềm bản thân. Trước tác của ông nay còn lưu lại không nhiều, tập trung là Tĩnh Trai tiểu thảo trích sao, gồm 239 bài thơ (168 đề mục); tập Tĩnh Trai thi sao gồm 66 bài thơ (61 đề mục). Ngoài ra còn có 10 bài thơ chữ Hán viết theo thể thất ngôn bát cú vịnh thập cảnh vườn Thương Mậu, chép trong Danh biên tập lục, phần thơ của Nguyễn Hàm Ninh chép từ tr.18-22. Sáng tác bằng chữ Nôm hiện chỉ còn bài văn Phản phúc ước viết theo lối biền ngẫu và bài hát nói Nhớ ơn vua. Tất cả trước tác này hiện lưu trữ ở Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm.
 
Là người có tâm hồn thanh cao, nghĩa khí, trong mỗi câu thơ của ông thấm đẫm tình cảm ưu dân ái quốc, trăn trở với thời cuộc, đau đớn trước vận mệnh của đất nước khi bị quân Pháp xâm lược. Mảng đề tài chiếm số lượng khá lớn trong sáng tác của Nguyễn Hàm Ninh chính là các bài thơ viết về tình cảm với gia đình, anh em, dòng tộc và quê hương. Dẫu “sinh bất phùng thời” và trải qua nhiều biến cố, nhưng ông vẫn giữ được tâm hồn thanh bạch, trong mỗi câu thơ chất chứa nỗi lòng mà vẫn ngời lên niềm tin lạc quan yêu đời.
“Liên hoa trì bạn nguyệt
Y cựu chiếu băng tâm” - Diễn Ái giao giới xứ
(Ánh trăng chiếu lên đóa hoa sen bên bờ sông/Soi sáng tấm lòng trong trắng vẫn như xưa)
 
Giới thi sĩ thời bấy giờ đánh giá rất cao tài năng thi ca của Nguyễn Hàm Ninh. Ông được giới quan lại, học giả Kinh đô thời bấy giờ phong là Tràng An tứ kiệt, bao gồm Nguyễn Hàm Ninh, Đinh Nhật Thận, Cao Bá Quát và Nguyễn Văn Siêu. Tùng Thiện vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm (1819-1870) lại nhận xét rất tinh tế, sâu sắc về ông: “Thở một hơi mà thành trọn vẹn, không vết đẽo gọt. Thơ Thịnh Đường sở dĩ vượt người là vậy. Ta đối với bài thơ này cũng thế”.
 Báo Quảng Bình
 
(1), (2), (3), (4), (5) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, NXB Hà Nội, Hà Nội, 2022, tập 6, tr.48, 861, 866, 926, 962, 936.
(6) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, NXB Thuận Hóa, Huế, 2014, tập 2, tr.494-495.