Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2025
Tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động Theo Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH ngày 11/02/2025, điều kiện lao động gồm 6 loại và phân chia như sau: - Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại I, II, III là nghề, công việc không nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm; - Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại IV là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; - Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại V, VI là nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Điều kiện lao động được đánh giá, xếp loại theo 03 phương pháp: - Phương pháp đánh giá, tính điểm thực hiện theo quy trình: Xác định tên nghề, công việc cần đánh giá, xác định điều kiện lao động, quy mô lấy mẫu. Sau đó, đánh giá điều kiện lao động theo hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động. - Phương pháp thống kê, kinh nghiệm: Căn cứ vào đặc điểm điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc của Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để xác định loại điều kiện lao động cho các nghề, công việc được đánh giá. - Phương pháp kết hợp: Kết hợp phương pháp đánh giá, tính điểm với phương pháp thống kê, kinh nghiệm và lấy ý kiến của bộ quản lý ngành lĩnh vực, các chuyên gia, nhà khoa học để tổng hợp kết quả. Quy định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025. Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại Ngày 30-11-2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 171/2024/QH15 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Một trong những điểm đáng chú ý tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 171/2024/QH15 là tổ chức kinh doanh bất động sản được nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất nông nghiệp để thực hiện dự án thí điểm phải được HĐND cấp tỉnh thông qua. Các dự án thí điểm phải đáp ứng điều kiện như: Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt. Các chủ đầu tư phải bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư và các quy định pháp lý có liên quan khác. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025. Quy định mới về phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030 Nghị quyết số 70/2025/UBTVQH15 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã đặt ra những nguyên tắc, tiêu chí và định mức quan trọng trong việc phân bổ vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2026-2030. Nghị quyết quy định rõ thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn: Từ các dự án cấp bách, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia đến hoàn trả vốn ứng trước và thanh toán nợ đọng xây dựng. Các chương trình sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và dự án PPP cũng được ưu tiên trong danh sách phân bổ. Việc xác định thứ tự này nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng chậm trễ hoặc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm. Nghị quyết cũng quy định các tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương, vốn địa phương, vốn trong nước và vốn nước ngoài giai đoạn 2026-2030. Theo đó, các địa phương vùng miền núi, biên giới, hải đảo sẽ được ưu tiên phân bổ vốn để thu hẹp khoảng cách phát triển. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025. Quy định phí bảo lãnh ngân hàng
Ngày 31/12/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 61/2024/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng. Theo đó quy định phí bảo lãnh ngân hàng từ ngày 01/4/2025 như sau: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận mức phí bảo lãnh đối với khách hàng và các bên liên quan (nếu có) và phải niêm yết công khai mức phí bảo lãnh. Trường hợp thực hiện đồng bảo lãnh, các bên tham gia đồng bảo lãnh thỏa thuận mức phí bảo lãnh cho mỗi bên đồng bảo lãnh. Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh cho một nghĩa vụ liên đới thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với từng khách hàng về mức phí phải trả trên cơ sở nghĩa vụ liên đới tương ứng của mỗi khách hàng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp đồng tiền bảo lãnh là ngoại tệ, các bên thỏa thuận thu phí bảo lãnh bằng ngoại tệ hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bán của bên bảo lãnh tại thời điểm thu phí hoặc tại thời điểm thông báo thu phí. Các bên có thể thỏa thuận điều chỉnh mức phí bảo lãnh. Quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025. Quy định mới về phí duy trì hệ thống kiểm tra chứng thư chữ ký số Thông tư số 13/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư chữ ký số. Theo đó, đối tượng nộp phí, người nộp phí là các tổ chức có giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy. Đối với giấy phép chứng thực chữ ký số công cộng còn hiệu lực theo Luật Giao dịch điện tử 51/2005/QH11, tổ chức được cấp phép vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nộp phí. Mức thu phí dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là 3.000 đồng/tháng/chứng thư chữ ký số cấp cho tổ chức, doanh nghiệp; dịch vụ cấp dấu thời gian, chứng thực thông điệp dữ liệu là 4.200.000 đồng/tháng/chứng thư chữ ký số cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy. Thời gian tính phí từ tháng chứng thư có hiệu lực đến tháng trước khi hết hạn, bị tạm dừng hoặc thu hồi. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2025. Các quy định về chứng thư số (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)Quy định mới về quản lý xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh
Theo đó, Nghị định số 31/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP như sau: Xuất khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh: Cá nhân, tổ chức có văn hóa phẩm xuất khẩu đã được sản xuất, công bố, phổ biến và lưu hành hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam khi xuất khẩu chỉ làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác... Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 12/4/2025. Quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước Nghị định số 44/2025/NĐ-CP quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, việc chi trả lương, thưởng phải bảo đảm công khai, minh bạch, phản ánh đúng mức độ đóng góp của người lao động và ban điều hành. Quỹ tiền lương được xác định theo 2 phương pháp: Dựa trên mức lương bình quân hoặc đơn giá tiền lương ổn định, với điều kiện doanh nghiệp đã hoạt động đủ thời gian tối thiểu. Mỗi doanh nghiệp sẽ linh hoạt lựa chọn phương pháp phù hợp, thậm chí có thể áp dụng riêng cho từng lĩnh vực hoạt động nếu đủ điều kiện tách bạch các chỉ tiêu. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2025. Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương do Bộ Nông nghiệp và Môi trường thành lập và quản lý
Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2025/NĐ-CP ngày 05/3/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai. Theo quy định mới tại Nghị định số 63/2025/NĐ-CP, Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương do Bộ Nông nghiệp và Môi trường thành lập và quản lý. (Trước đó, theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP thì Quỹ trung ương được Chính phủ thành lập, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý). Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 19/4/2025. Quy định về quản lý kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững Thông tư 09/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 20-4-2025, hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025. Thông tư quy định các khoản chi nhằm phát triển hệ sinh thái kinh doanh bền vững, bao gồm xây dựng tài liệu, kết nối doanh nghiệp với tổ chức tín dụng và nhà đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng nhận thức, xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2025. Sửa quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạmChính phủ ban hành Nghị định 60/2025/NĐ-CP ngày 03/3/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Trong đó, Nghị định 60/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về thu hồi kinh phí hỗ trợ. Cụ thể, hằng năm, căn cứ vào kết quả rèn luyện, học tập của sinh viên sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo danh sách sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học cho UBND cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú hoặc cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng để thông báo thu hồi kinh phí đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền, sinh viên thuộc đối tượng bồi hoàn kinh phí phải có trách nhiệm liên hệ với cơ quan ra thông báo thu hồi kinh phí bồi hoàn để làm thủ tục bồi hoàn kinh phí hỗ trợ. Thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tối đa là 4 năm, kể từ khi sinh viên sư phạm nhận được thông báo bồi hoàn kinh phí. Các quy định trên có hiệu lực từ ngày 20/4/2025. Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT ngày 07/3/2025 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học. Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT quy định thời gian thực dạy của giáo viên THCS, THPT là 35 tuần thay vì 37 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục như quy định cũ. Đồng thời, bổ sung 2 tuần dự phòng để giáo viên hoàn thành các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông. Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT nêu rõ mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ (bao gồm cả việc kiêm nhiệm công việc chuyên môn, công tác Đảng, đoàn thể, các tổ chức khác và một số vị trí việc làm khác). Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 22/4/2025. Thanh Minh (Ban Nội chính Tỉnh ủy)
|