Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của ngành Ngân hàng 

 Nhận định, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề nóng, cần làm thường xuyên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị trực thuộc, tổ chức tín dụng thực hiện một số vấn đề trọng tâm để triển khai hiệu quả Chương trình hành động năm 2025, bao gồm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua, cơ quan này đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trong toàn ngành Ngân hàng và trên các lĩnh vực cụ thể phù hợp với định hướng phát triển.

Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tập trung, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhờ đó công tác THTK, CLP trong Ngành có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác THTK, CLP; Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về THTK, CLP năm 2024.

Trong đó, yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có vốn nhà nước trong ngành Ngân hàng nghiêm túc chấp hành pháp luật về tài chính, ngân sách, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn nhà nước được giao, tiết giảm tối đa các khoản chi phí chưa cần thiết để tạo nguồn lực giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Riêng NHNN tiếp tục quản lý, sử dụng, kinh phí khoán tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo đủ kinh phí cho các đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị đề ra.

Về THTK, CLP trong quản lý, sử dụng tài sản công, trong năm 2024, NHNN đã cắt giảm chưa đưa vào kế hoạch mua sắm 249 tài sản, dự án.

Kịp thời chỉ đạo các đơn vị mua sắm tài sản theo đúng quy định, đưa vào sử dụng nhằm khai thác có hiệu quả công năng; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản để kéo dài tuổi thọ.

Căn cứ chủ trương đầu tư và kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt, NHNN đã thực hiện rà soát, thẩm định, cắt giảm, chưa đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng đối với 4 dự án chưa thực sự cấp bách cần thiết.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cũng như giải ngân vốn đầu tư, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Năm 2024, NHNN đã giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án đầu tư xây dựng đạt 98,3% so với kế hoạch, đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu tại 9 tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp có vốn nhà nước, NHNN đã thực hiện trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; nâng cao, đảm bảo việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp được an toàn, hiệu quả.

NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa các chi phí hoạt động để có nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thông qua giảm lãi suất cho vay.

 Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú. Ảnh: SBV

Tại Hội nghị triển khai công tác THTK, CLP ngành Ngân hàng năm 2025, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đề nghị lãnh đạo các đơn vị cần có ý thức quán triệt, lãnh đạo chỉ đạo công tác này trong đơn vị và coi đây là vấn đề thực hiện hàng ngày.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị lưu ý một số vấn đề trọng tâm để triển khai hiệu quả như sau:

Một là, thủ trưởng các đơn vị quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các văn bản, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN về THTK, CLP.

Việc xây dựng chương trình, kế hoạch THTK, CLP phải xác định mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể cho từng lĩnh vực gắn với trách nhiệm của người đứng đầu để từ đó đề ra các giải pháp triển khai đảm bảo việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả cao.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP tại từng cơ quan, đơn vị.

Ba là, trong bối cảnh sáp nhập hợp nhất của bộ ngành, địa phương tới đây sẽ có những văn bản, quy chế thay đổi.

Điều này đòi hỏi các đơn vị phải cập nhật, rà soát, xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền; kịp thời báo cáo lại cấp trên những vấn đề phát sinh, vượt quyền để ban lãnh đạo xử lý.

Bốn là, thực hiện quản lý ngân sách nhà nước, quản lý thu chi theo đúng quy định.

Trong quá trình thực hiện, chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, giảm các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác trong nước, nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; sử dụng tiết kiệm điện năng, chống sử dụng lãng phí điện trong cơ quan....

Năm là, rà soát lại các dự án chưa triển khai, triển khai chậm để có những biện pháp kiên quyết xử lý.

Trong quản lý đầu tư xây dựng, các đơn vị thực hiện rà soát lại các trụ sở làm việc để đề xuất phương án sắp xếp, sử dụng trụ sở đảm bảo bố trí đủ diện tích làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và phù hợp với mô hình tổ chức mới của NHNN.

Bên cạnh đó, lãnh đạo NHNN cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về việc thực hành chính sách THTK, CLP; đưa THTK, CLP trở thành một nội dung trong kiểm toán trong nội bộ NHNN và thanh tra ngân hàng thương mại cùng với công tác kiểm tra của Vụ Kế toán và chuyên ngành.

Các ngân hàng thương mại nhà nước cần tiếp tục phát huy vai trò cơ quan kiểm soát để đảm bảo thực hiện đúng chế độ, chính sách, tiết kiệm hiệu quả./.

 

Theo https://thanhtravietnam.vn/