Ban hành quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác là cần thiết, phù hợp với thực tiễn
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức số 52/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, trong đó có quy định việc xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
Để cụ thể hóa quy định này của Luật số 52/2019/QH14, Bộ Nội vụ đã xây dựng và đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và nhân dân để hoàn thiện dự thảo Nghị định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trình Chính phủ trong tháng 4/2020 theo đúng kế hoạch. Trong đó bổ sung quy định áp dụng xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác (điểm c khoản 2 Điều 1); bổ sung nguyên tắc việc xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được thực hiện sau khi có quyết định xử lý kỷ luật về Đảng (khoản 10 Điều 2) và trường hợp này được sử dụng kết luận về hành vi vi phạm mà không phải điều tra, xác minh lại; đồng thời bổ sung quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật (khoản 5 Điều 20). Khi góp ý vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, “tư duy nhiệm kỳ” vốn dĩ đã và đang tồn tại ở một số cán bộ với biểu hiện chỉ tập trung vào các hoạt động thu lợi cho bản thân, gia đình và nhóm lợi ích của mình trong nhiệm kỳ đương chức, bất chấp trách nhiệm bản thân, nguyên tắc tổ chức hay quy định pháp luật. Cho nên, khi cán bộ về hưu mới phát hiện được sai phạm nếu không xử lý thì họ sẽ cố tình vi phạm vì yên tâm “hạ cánh an toàn”. Chúng ta đang cố gắng làm sao trong thể chế, quy định đều đảm bảo cán bộ không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng và không thể tham nhũng. Quan trọng nhất là tuyên truyền, răn đe ngay từ đầu để cán bộ, công chức, viên chức không dám vi phạm và đã vi phạm thì dù về hưu hay nghỉ việc bao nhiêu năm rồi thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm, tuyệt đối không có chuyện “hạ cánh an toàn” – ông Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định. Ông Vũ Trọng Kim – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam cho rằng, chế tài xử lý này được xem là biện pháp răn đe, đánh mạnh vào ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức khi còn đang tại vị. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức khi còn công tác phải cân nhắc, thận trọng, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Trong thời gian cán bộ còn đương chức mắc những vi phạm, khuyết điểm được xác định xâm phạm đến tài sản, tài chính của Nhà nước thì dù cán bộ đó đã nghỉ hưu vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, không có chuyện “hạ cánh an toàn” - ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh. Đại biểu Quốc hội khóa XIV Vũ Trọng Kim phân tích, thực tiễn có người nghĩ rằng, đến khi họ rời nhiệm sở thì những sai phạm dù có cũng không bị phanh phui, không phải chịu trách nhiệm. Song, những bài học thời gian qua cho thấy, với quyết tâm chính trị rất cao, các cơ quan chức năng đã đưa ra ánh sáng hàng loạt sai phạm của quan chức khi còn tại vị, các cá nhân cũng đã chịu những hình thức kỷ luật thích đáng. Ông Vũ Trọng Kim kỳ vọng, Nghị định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức sau khi được Chính phủ ban hành sẽ tạo thêm hành lang pháp lý để xử lý mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Cán bộ giữ cương vị càng cao thì phải chịu mức xử lý càng nghiêm khắc” – ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh. Ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định: Việc ban hành quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác có ý nghĩa rất lớn bởi vì sẽ không còn “hoàng hôn nhiệm kỳ”, không có chuyện “hạ cánh an toàn”. Bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý kỷ luật. Dự thảo Nghị định không chỉ quy định đối với những người đã “hạ cánh” mà quy định nói chung đối với cán bộ, công chức, viên chức. Ai đã vi phạm pháp luật thì dù đang tại chức hay đã nghỉ hưu thì đều bị xử lý nếu mắc sai phạm. Theo ông Nguyễn Viết Chức, điều quan trọng nhất là mỗi người phải ý thức được, không phải chờ đến lúc sắp nghỉ hưu thì mới tốt thì khi đó đã quá muộn. Phải tốt từng ngày, từ ngày còn là nhân viên, cho đến khi phấn đấu có được vị trí. Còn theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an, nơi nào mà quyền lực không được giám sát thì nơi đó sớm muộn sẽ bị tha hóa. Do đó, phải ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Khi cán bộ đã tha hóa, tham nhũng thì phải xử lý nghiêm, không có ngoại lệ. Thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành các văn bản mới quy định nhiều nội dung liên quan đến công tác cán bộ. Vì vậy, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định liên quan đến kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức để phù hợp với các quy định mới của Đảng là cần thiết. Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ nhận thấy quy định như dự thảo là bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn. Thực tế cho thấy để bảo đảm nguyên tắc công tác cán bộ là công tác của Đảng thì hầu hết các vị trí lãnh đạo trong hệ thống Đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp hiện nay đều là đảng viên (một số ít chưa là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo trong các đơn vị sự nghiệp công lập). Những sai phạm nghiêm trọng hầu hết đều ở những người đã từng giữ vị trí lãnh đạo, vì vậy, việc bổ sung nguyên tắc xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được thực hiện sau khi có quyết định xử lý kỷ luật về Đảng là cần thiết, bảo đảm tính răn đe và phù hợp với quy định của Đảng. Hơn nữa, quy định như dự thảo sẽ tránh phức tạp về trình tự, thủ tục, thẩm quyền do đã có kết luận về sai phạm, hình thức xử lý kỷ luật cũng đã được xác định rõ và do đó không phải thực hiện các quy trình về thành lập Hội đồng kỷ luật, triệu tập họp.../. Trí Đức-Theo http://tcnn.vn
Các tin đã đăng
|