Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Theo thông tin từ đường dây nóng 111 của Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em (Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), gần đây số cuộc gọi từ các phụ huynh phản ánh về nguy cơ con em mình bị kẻ xấu nhắn tin, xâm hại trên môi trường mạng ngày càng gia tăng. Ðáng chú ý, tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Mới đây, đại diện tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng lên tiếng cảnh báo về việc hàng triệu trẻ em có nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng trong thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19.
Thời gian qua, để đối phó dịch bệnh, nhiều biện pháp cấp bách đã được thực hiện như giãn cách xã hội, hạn chế tập trung nơi đông người,… Với nhóm đối tượng là trẻ em, để thích nghi với hoàn cảnh mới, việc dạy và học trực tuyến (online) được thực hiện tại nhiều địa phương. Ðồng thời do không có điều kiện ra ngoài, giao lưu, nhiều học sinh đã dành khá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Một số đối tượng xấu lợi dụng tình hình này để thâm nhập, quấy phá các phòng học trực tuyến, ăn cắp địa chỉ, thông tin liên lạc của người sử dụng nhằm thực hiện các mục đích đen tối khác như: gửi các đường link có nội dung xấu độc, dụ dỗ, mời gọi trẻ tham gia các trò chơi trực tuyến… Với bản tính tò mò, không ít trẻ em đã vào các đường link do những đối tượng này gửi đến và tham gia các trò chơi trên mạng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ mà còn khiến một số em bị kẻ xấu lợi dụng, uy hiếp, thậm chí bị quấy rối và xâm hại tình dục qua mạng. Hiện tượng trẻ em trở thành mục tiêu tiến công của tội phạm mạng đã từng được cảnh báo, tuy nhiên thời gian gần đây, loại tội phạm này có biểu hiệu gia tăng bất thường, trong khi các biện pháp xử lý, ngăn chặn còn thiếu hiệu quả gây lo ngại không chỉ cho các bậc phụ huynh mà còn khiến xã hội không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Hội thảo về “Phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng” Ảnh: quochoi.vn
Ðể kịp thời đối phó với tình trạng nêu trên, mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Cục Trẻ em đã ký hợp tác trong công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, với các nội dung đáng chú ý như: Triển khai việc nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng công cụ, phương tiện để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, giáo dục tích cực trên môi trường mạng; nâng cao hiểu biết cho trẻ em về kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng bổ ích, an toàn, kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng... Ðây là việc làm cần thiết, kịp thời của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc bảo vệ trẻ em sẽ chỉ thật sự phát huy hiệu quả nếu có sự hợp tác, hỗ trợ chặt chẽ giữa phụ huynh học sinh, nhà trường và xã hội. Trước hết, ngay tại gia đình cũng như trong môi trường giáo dục, các em cần được giáo dục về biện pháp để tự bảo vệ bản thân khi tham gia môi trường mạng, tuyệt đối không đăng nhập hoặc tham gia các trang web lạ, kịp thời báo với người lớn khi gặp những vấn đề bất thường,… Về phía cha mẹ, cần có biện pháp giám sát hiệu quả đối với việc sử dụng mạng của con em mình, thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư tình cảm của con, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường để có những biện pháp xử lý phù hợp. Việc liên hệ giữa gia đình và nhà trường cần thường xuyên liên tục. Ðồng thời, cộng đồng cần phát huy trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu của tội phạm. Với sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội sẽ hình thành mạng lưới vững chắc, an toàn giúp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng một cách hiệu quả. Theo Thành Nam nhandan.com.vn
Các tin đã đăng
|