Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW
Đưa nội dung “việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của các cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban kiểm tra các cấp – đó là một trong những yêu cầu của Bộ Chính trị đã nêu trong Chỉ thị số 42-CT/TW.
Thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên được Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được kết quả quan trọng. Các chuẩn mực đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư từng bước được cụ thể hóa thành quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn hóa công sở để thực hiện. Nội dung thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được lồng ghép vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở các trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ Trung ương đến địa phương; được tích hợp vào một số môn học ở các cơ sở giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân. Các cơ quan báo chí, truyền thông, văn hóa, văn học nghệ thuật đã có nhiều hoạt động, tuyên truyền, sáng tác, biểu diễn, công bố, giới thiệu các tác phẩm có nội dung về giáo dục đạo đức cách mạng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nhờ đó, đạo đức cách mạng nói chung, các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư nói riêng của cán bộ, đảng viên được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của không ít cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ và đúng mức; công tác giáo dục đạo đức cách mạng, nhất là giáo dục liêm chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa trở thành nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng; nội dung, phương pháp, hình thức và đối tượng giáo dục còn nhiều bất cập; chưa hình thành ý thức tự giác học tập, rèn luyện, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong cán bộ, đảng viên; các giá trị liêm chính, tiết kiệm chưa được xã hội đề cao. Tham nhũng, tiêu cực tuy đã được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng; tình trạng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và Nhân dân; một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp cao do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm nên đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mức phải xử lý. Để tăng cường công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, ngày 16/01/2025, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trần Cẩm Tú đã ký, ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư Để thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện 08 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; trong đó, “Tuyên truyền sâu rộng làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là phẩm chất đạo đức quan trọng hàng đầu của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tính cấp thiết của việc giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong nội bộ Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội” là nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên được nêu trong Chỉ thị này; Bộ Chính trị cũng yêu cầu “Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đưa nội dung này vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của các cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban kiểm tra các cấp”. Đây là hai trong tám nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị số 42-CT/TW và cũng là hai trong nhiều nhóm giải pháp quan trọng hiện nay nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, thực chất từ ý thức đến hành động và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.
Các tin đã đăng
|