Bộ Công an “điểm mặt” lĩnh vực tiềm ẩn tội phạm tham nhũng
Tội phạm về tham nhũng còn tiềm ẩn rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như: quản lý tài sản công; tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản; đấu thầu, đấu giá và các hoạt động mua sắm, đầu tư công thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục. Đây là đánh giá của Bộ Công an về tình hình tội phạm tham nhũng nêu tại Báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của lực lượng Công an nhân dân năm 2021 gửi Thanh tra Chính phủ. Theo đó, trong đấu thầu, đấu giá và các hoạt động mua sắm, đầu tư công thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục, thủ đoạn của tội phạm thường là thông đồng, móc ngoặc trong cả quy trình, từ khâu lập hồ sơ đến thanh quyết toán, gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước, tập thể; nhất là hành vi mua bán “lòng vòng” qua nhiều công ty, cấu kết với đơn vị thẩm định nâng giá lên nhiều lần trong các dự án để trục lợi. Còn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, nổi lên là hành vi cán bộ có chức quyền ở địa phương cấu kết với chủ đầu tư trong việc thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng không đúng đối tượng và mức đền bù; hành vi lừa đảo tại các dự án chưa có chủ đầu tư; tình trạng cấp phép dự án tràn lan nhưng để nhiều dự án “treo”…khiến người dân mất tài sản, thất nghiệp, gây bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp kéo dài ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Theo Bộ Công an, các loại vi phạm và tội phạm về tham nhũng, kinh tế liên quan đến dịch bệnh Covid-19 diễn ra ngày càng phổ biến, có tính quy luật, xảy ra tại hầu hết các lĩnh vực, khâu, quy trình, công đoạn sản xuất, cung ứng, phân phối, xuất, nhập khẩu hàng hóa. Đáng chú ý là các hành vi này còn xảy ra cả trong quá trình chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, cụ thể: Một là, lợi dung sơ hở, bất cập trong thực hiện chính sách phòng, chống dịch để trục lợi, nhất là hành vi thông đồng nâng giá lên nhiều lần so với thực tế trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Hai là, lợi dụng trong quy định cấp thẻ luồng xanh để trục lợi như tại các vụ án đã được Công an TP Hà Nội và tỉnh Đồng Nai khởi tố. Ba là, lợi dụng chiến dịch tiêm vắc xin để tiêu cực, trục lợi thông qua tiêm “dịch vụ” với giá từ 2 đến 4 triệu đồng/người…gây tâm lý, nhận thức không đúng trong dư luận xã hội về các chính sách của Nhà nước đang triển khai. Bốn là, thông đồng kê khai không đúng đối tượng, kê khống, nâng khống số lượng được hỗ trợ để chiếm đoạt; nâng khống thiệt hại để được vào diện hỗ trợ…như vụ lập khống chứng từ thanh quyết toán, tham ô chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng kinh phí phòng, chống dịch bệnh ở tỉnh Tây Ninh…
Các tin đã đăng
|