Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2024
02 quy định của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/4/2024 Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/1/2025, nhưng có 2 quy định của Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2024 là Điều 190 và Điều 248 (theo Khoản 2 Điều 252 Luật Đất đai 2024). Điều 190 Luật Đất đai 2024 quy định về hoạt động lấn biển. Theo đó, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật. Hoạt động lấn biển phải tuân thủ các nguyên tắc bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của luật khác có liên quan và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đa dạng sinh học, các yếu tố tự nhiên, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng... Còn Điều 248, Luật Đất đai 2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2023/QH15 quy định không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ các dự án như: Dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do Chính phủ quy định. Quy chuẩn Quốc gia về phương tiện phòng cháy và chữa cháy Ngày 30/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 56/2023/TT-BCA Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy và chữa cháy. Quy chuẩn trên quy định các yêu cầu về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và quản lý về hoạt động kiểm định các phương tiện phòng cháy chữa cháy thuộc danh mục phải kiểm định về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào lưu thông tại Việt Nam. Đối tượng áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp, hoán cải trong nước, nhập khẩu phương tiện phòng cháy chữa cháy; cơ quan, tổ chức có chức năng kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy; cơ quan, tổ chức có liên quan về quản lý chất lượng phương tiện phòng cháy chữa cháy. Theo quy chuẩn, yêu cầu chung đối với phương tiện phòng cháy chữa cháy do các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu kê khai, khai báo phải phù hợp với danh mục phương tiện quy định tại quy chuẩn này. Trường hợp chưa rõ chủng loại phương tiện, cần phối hợp với cơ quan quản lý có thẩm quyền để định danh chủng loại phương tiện phòng cháy chữa cháy. Một yêu cầu chung nữa với phương tiện phòng cháy chữa cháy là phải quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan hoặc quy định của pháp luật hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Quy chuẩn này cũng nêu các phương tiện phòng cháy, chữa cháy phổ biến gồm: vòi chữa cháy, lăng chữa cháy phun nước cầm tay, trụ nước chữa cháy, đầu nối chữa cháy, bình chữa cháy xách tay… Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2024 và thay thế Thông tư số 123/2021/TT-BCA của Bộ trưởng Công an ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phương tiện Phòng cháy và chữa cháy. Không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng Ngày 24/02/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 01/2024/TT-BNV quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định số số 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư quy định biện pháp thi hành Luật Thi đua - Khen thưởng. Tại Điểm d, Khoản 5, Điều 1, Thông tư 1/2024/TT-BNV quy định: Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” đối với các cá nhân mới tuyển dụng dưới 6 tháng. Ngoài ra, một số trường hợp cụ thể khác về việc bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” được thực hiện như sau: Cá nhân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân dẫn đến bị thương tích cần điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ sở y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”. Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 1 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để được bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”… Thông tư có hiệu lực từ 15/4/2024. Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của ngành y tếNgày 01/3/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 01/2024/TT-BYT về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị thuộc Bộ Y tế và thộc phạm vi quản lý trong lĩnh vực y tế tại địa phương. Trong đó, các danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực y tế phải định kỳ chuyển đổi gồm những vị trí tiếp nhận hồ sơ, cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi, gia hạn, thay đổi… các lĩnh vực: Y tế dự phòng (Giấy phép nhập khẩu mẫu bệnh phẩm…), khám chữa bệnh (Giấy phép hành nghề/hoạt động khám chữa bệnh, giấy phép hoạt động khám chữa bệnh…), dược phẩm, mỹ phẩm, y dược cổ truyền (Giấy đăng ký lưu hành, chứng chỉ hành nghề dược…) Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 - 05 năm theo đặc thù của từng vị trí công tác. Thời hạn này được tính từ ngày có quyết định/văn bản công tác đảm nhiệm vị trí. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/4/2024. Thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực đăng kiểm Ngày 12/3/2024, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định số 233/QĐ-BGTVT công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải.
Theo đó, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ GTVT, cụ thể có 02 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung gồm: Cấp Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (Bộ luật ISPS) và Phê duyệt kế hoạch an ninh tàu biển theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (Bộ luật ISPS). Thủ tục hành chính được bãi bỏ trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ GTVT là Cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ sĩ quan an ninh tàu, cán bộ an ninh công ty, theo Thông tư số 03/2024/TTBGTVT ngày 21/02/2024 của Bộ trưởng Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2011/TT-BGTVT ngày 14/04/2011 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về Áp dụng sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974 ban hành kèm theo Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2024. Thêm nhiều chứng chỉ được miễn thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT Thông tư số 02/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDDT ngày 26/5/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 05/2021/TT-BGDDT ngày 12/3/2021 và Thông tư số 05/2023/TT-BGDDT ngày 24/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. So với năm 2023, danh mục chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2024 thì Tiếng Anh đã bổ sung thêm nhiều chứng chỉ. Theo đó, với môn Tiếng Anh, ngoài chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4.0 như những năm trước đây, thì thí sinh có chứng chỉ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP), B1 Preliminary/B1 Business Preliminary/B1 Linguaskill, Aptis ESOL B1, Pearson English International Certificate (PEIC) level 2 hoặc TOEIC 4 kỹ năng (Nghe: 275; Đọc: 275; Nói: 120; Viết: 120) cũng được miễn bài thi Ngoại ngữ. Các ngoại ngữ khác như Tiếng Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật, các chứng chỉ để được miễn thi giống năm trước. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 22/4/2024. Thanh Minh (Phòng Nội chính)
Các tin đã đăng
|