Chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản
Ngày 21/4/2022, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh. Mặc dù đã có cơ sở, hành lang pháp lý để xử lý hành vi “lách luật” trong lĩnh vực BĐS nhưng tình trạng thất thu thuế BĐS vẫn cứ âm thầm diễn ra. Siết chặt hoạt động công chứng
Ngày 11/5/2022, Cục Thuế tỉnh ban hành Kế hoạch số 2012/KH-CTQBI để thực hiện Chỉ thị số 08/CT-UBND của UBND tỉnh, trong đó xác định rõ vai trò của công tác tuyên truyền. Ông Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục thuế Quảng Bình nhấn mạnh: “Công tác tuyên truyền phải triển khai sâu rộng về tận đơn vị xã, phường, tổ dân phố, thông qua các kênh thông tin và phát tờ rơi nhằm tuyên truyền về những hành vi vi phạm pháp luật thuế, các rủi ro pháp lý khác do khai không đúng giá thực tế trên hợp đồng kinh doanh, chuyển nhượng BĐS tại các văn phòng công chứng (VPCC), văn phòng đăng ký đất đai và UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn”.
Hiện tại, toàn tỉnh có 8 tổ chức hành nghề công chứng (1 phòng công chứng trực thuộc Sở Tư pháp, 7 VPCC tư nhân) và 17 công chứng viên (CCV).
Bên cạnh nâng cao ý thức cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thì vấn đề quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng cũng là giải pháp hiệu quả chống thất thu thuế trong lĩnh vực BĐS. Quá trình giao dịch chuyển nhượng, mua bán BĐS thì việc công chứng hợp đồng BĐS là bắt buộc. Các hợp đồng giao dịch BĐS được tiến hành tại các tổ chức hành nghề công chứng và thông qua CCV. Nếu quản lý tốt hoạt động công chứng, trình độ, năng lực, đạo đức của CCV sẽ hạn chế hành vi chuyển giá, kê khai giá trong giao dịch thấp hơn giá thực tế nhằm trục lợi, trốn thuế.
Ngày 15/12/2021, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 14257/BTC-VP về chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, theo đó, yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan nhà nước liên quan hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án BĐS, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng BĐS kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán để làm căn cứ tính thuế theo quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ: “Việc tuyên truyền, tư vấn cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo Công văn số 14257/BTC-VP của Bộ Tài chính rất khó khăn vì người dân, doanh nghiệp ngại đóng thuế theo giá trị thực của BĐS. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng tư vấn cho người dân trong quá trình công chứng các hợp đồng liên quan đến giao dịch BĐS, vừa góp phần chống thất thu thuế cho nhà nước, vừa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân mỗi khi xảy ra tranh chấp được giải quyết tại tòa án”.
Thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với giao dịch BĐS
Luật sư Lê Viết Kiều, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình cho biết: “Thực tế các giao dịch kinh doanh, chuyển nhượng BĐS từ trước đến nay trên phạm vi cả nước nói chung và ở tỉnh ta nói riêng chủ yếu sử dụng bằng tiền mặt. Vì thế, cơ quan thuế không thể kiểm soát được giá trị thực tế giao dịch BĐS. Đơn cử một giao dịch BĐS giá trị thực 1 tỷ đồng, người bán và người mua thỏa thuận với nhau trong hợp đồng công chứng giảm xuống còn 700 triệu đồng để giảm số tiền đóng thuế. Như vậy, ngân sách nhà nước bị thất thu khoản thuế của 300 triệu đồng còn lại”.
Cơ quan thuế không kiểm soát được giá trị chuyển nhượng thực tế giữa bên bán và bên mua từ đó tạo kẽ hở để người dân, doanh nghiệp “lách luật” trốn thuế. Do đó, cần thiết phải bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Khi giao dịch BĐS thanh toán qua hệ thống ngân hàng, cơ quan thuế sẽ dễ dàng kiểm soát, truy xuất và thu thuế theo đúng giá trị thực BĐS. Về phía người dân, doanh nghiệp, trong quá trình giao dịch sẽ được bảo lưu các bằng chứng giao dịch, trở thành chứng cứ pháp lý tại tòa mỗi khi xảy ra tranh chấp.
Theo Báo Quảng Bình
Các tin đã đăng
|