Công dân được bảo vệ khi báo tin hành vi tham nhũng của công an
Công dân có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) trong quá trình thực thi công vụ; được bảo vệ, khen thưởng; có quyền kiến nghị với cơ quan Công an những vấn đề có liên quan đến hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) và giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN của CAND. Đây là nội dung đáng chú ý được nêu tại Thông tư số 117/2021/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và PCTN của CAND do Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành tháng 12/2021, có hiệu lực từ 15/1/2022. Nội dung Thông tư mới cũng quy định, công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan Công an trong PCTN; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của các thông tin về PCTN mà mình cung cấp; không lợi dụng việc phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về tham nhũng để vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác. Theo Bộ Công an, việc thực hiện dân chủ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và PCTN của CAND nhằm công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và PCTN của CAND; phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và PCTN. Thông tư quy định kế hoạch công tác thanh tra; việc sửa đổi, bổ sung kế hoạch công tác thanh tra; báo cáo kết quả công tác thanh tra định kỳ; báo cáo sơ kết, tổng kết công tác thanh tra phải được lấy ý kiến trong tập thể lãnh đạo cơ quan thanh tra trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định. Về thực hiện dân chủ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thông tư quy định nội dung thông báo với người khiếu nại, tố cáo, người bị khiếu nại, bị tố cáo gồm: việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo; quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, người bị khiếu nại, bị tố cáo, người liên quan theo quy định của pháp luật; yêu cầu báo cáo, giải trình; nội dung, lịch làm việc với Đoàn xác minh, Tổ xác minh; quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo…
Cán bộ tiếp công dân chỉ tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại nơi tiếp công dân, trường hợp tiếp công dân tại nơi khác phải được cấp có thẩm quyền cho phép; giải thích, hướng dẫn đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Công an cho công dân; tôn trọng và lắng nghe trình bày của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh… Về trách nhiệm thực hiện dân chủ trong PCTN, Công an các đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tham nhũng trong đơn vị mình; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng; tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, tin báo về hành vi tham nhũng; kịp thời cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng…
Theo ThanhtraVietNam.vn
Các tin đã đăng
|