Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước tỉnh Quảng Bình trong thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Tại Khoản 2, Điều 4, Chương I, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định:
“Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm sau đây: a.Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức; b.Kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng”.
Đây được coi là chế định có tác động khá lớn đến khu vực tư, làm thay đổi quan điểm trước đây vốn vẫn cho rằng phòng, chống tham nhũng (PCTN) chỉ đặt ra trong khu vực Nhà nước.
Thực hiện trách nhiệm của mình, thời gian qua, Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh ta đã quan tâm, chú trọng xây dựng, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, ngày càng chủ động hơn trong công tác PCTN, nhất là việc tập trung vào hai trụ cột chính đó là xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng (được quy định tại Điều 78, Chương VI, Luật PCTN năm 2018) và áp dụng Luật PCTN đối với các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước (được quy định tại Điều 80, Chương VI, Luật PCTN năm 2018). Theo đó, tại Báo cáo số 283/BC-UBND, ngày 20/10/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh báo cáo kết quả theo dõi thi hành pháp luật về PCTN năm 2020, 2021 địa bàn trỉnh cho thấy:
Về kết quả xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các Doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp (gọi tắt là Doanh nghiệp) trên địa bàn đã xây dựng Quy tắc ứng xử, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc đạo đức kinh doanh và cơ chế kiểm soát nội bộ; dần dần xây dựng các quy định của đơn vị mình về trách nhiệm PCTN; quy định và thực hiện quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong Doanh nghiệp, tổ chức; xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng trong Doanh nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp, định kỳ hằng quý, tỉnh Quảng Bình đều tổ chức gặp mặt Doanh nghiệp ở cả cấp tỉnh và cấp huyện; đồng thời, thành lập Tổ công tác hỗ trợ Doanh nghiệp nhằm rút ngắn thời gian xử lý vướng mắc, giảm thiểu chi phí cho các nhà đầu tư, Doanh nghiệp; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng Doanh nghiệp; nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.
.jpg)
Ảnh: (Nguồn internet)
Về kết quả xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ: Các Doanh nghiệp đã đưa nội dung PCTN vào trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế về chi tiêu nội bộ, Quy chế quản lý, sử dụng tài sản, điều lệ của đơn vị mình và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có sự giám sát của Ban Kiểm soát, nhờ đó không có tình trạng tham nhũng xảy ra, góp phần ổn định và phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Kết quả thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch, kiểm soát xung đột lợi ích, chế độ trách nhiệm của người đứng đầu: Năm 2020, 2021, các Doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của đơn vị đối với toàn thể cán bộ nhân viên của đơn vị, như: công khai kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hàng quý, công khai các quy chế, nội quy, v.v… trong các cuộc họp, trên website của Công ty nhằm giúp cho cán bộ, nhân viên công ty giám sát mọi hoạt động của đơn vị… Trong mốc báo cáo, mặc dù hoạt động sản xuất của các Doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi tác động của dịch Covid-19; tuy nhiên, các Doanh nghiệp đã chủ động, tích cực hoàn thành các quy định về trách nhiệm của mình trong PCTN. Nhờ đó, trong năm 2020, 2021 không có Doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh có liên quan đến hành vi tham nhũng phải xử lý. Tuy nhiên, một số Doanh nghiệp vẫn chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình; chưa mạnh dạn đứng lên đấu tranh PCTN, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn vai trò, nhiệm vụ của mình trong trong thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh cần phảithực hiện tốt các nội dung sau: cần “tự chống tham nhũng” - Đây là một trong những khuyến nghị chính của Báo cáo “Đánh giá quy định pháp luật về PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước và đề xuất hướng dẫn đối với Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước” được đưa ra thảo luận tại Hội thảo do Thanh tra Chính phủ (TTCP), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức vào ngày 28/7/2020 nêu ra; cần phải chủ động, linh hoạt và chú trọng chiều sâu trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN, nhằm làm thay đổi ý thức từ bị động sang chủ động trong PCTN đối với người đứng đầu và đội ngũ làm việc trong Doanh nghiệp; các Doanh nghiệp cần phải tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt liên quan tới hoạt động PCTN; cùng với các cơ quan Nhà nước tham gia vào việc giám sát, đánh giá việc thực thi pháp luật và đối thoại để hướng tới mục tiêu hoàn thiện pháp luật về PCTN…
Lê Hà Anh Tâm
Phòng theo dõi công tác PCTN