Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho người đứng đầu cấp ủy các cấp tiếp dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ở tỉnh Quảng Bình trong tình hình mới
Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, ngày 18 tháng 02 năm 2019, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Quy định số 11-QĐi/TW quy định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên; áp dụng đối với người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp ủy cấp huyện, cấp ủy cấp xã; người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo là người dân, cán bộ, đảng viên, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Ngày 26/5/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ngày 11/5/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 1896-QĐ/TU về việc ban hành Quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan nhà nước đối thoại trực tiếp với Nhân dân.
Đ/c Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy hướng dẫn người dân tại Phiên tiếp dân tháng 4 của Bí thư Tỉnh ủy Theo các quy định, người đứng đầu cấp ủy là Bí thư Tỉnh ủy; Bí thư huyện ủy, thị ủy, thành ủy; Bí thư cấp ủy cấp cơ sở. Nội dung đối thoại của người đứng đầu cấp ủy: các vấn đề liên quan đến vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng; những vấn đề bức xúc, nổi cộm, liên quan trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên; vai trò tiền phong, gương mẫu, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18 tháng 02 năm 2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, người đứng đầu cấp ủy các cấp; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân góp phần bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; qua đó, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ban Nội chính Tỉnh ủy, văn phòng huyện, thị, thành ủy, cấp ủy viên được cấp ủy phân công phụ trách, theo dõi đảng ủy xã, phường, thị trấn đã tích cực, chủ động tham mưu phục vụ cấp ủy đảng các cấp nói chung, người đứng đầu cấp ủy đảng các cấp nói riêng kịp thời tổ chức quán triệt, ban hành các văn bản để tổ chức thực hiện, như: lịch tiếp dân, nội quy, quy chế, chương trình, kế hoạch tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân; tham mưu ban hành hoặc trực tiếp ban hành quy định, quy trình tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh; công tác phối hợp trong việc tham mưu phục vụ người đứng đầu cấp ủy đảng các cấp tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của dân; chủ trì, phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ý kiến chỉ đạo, kết luận của người đứng đầu cấp ủy các cấp trong việc chỉ đạo định hướng xử lý vụ việc, đặc biệt là các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo được niềm tin của người dân, cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, địa phương.
Tuy nhiên, công tác tham mưu vẫn còn một số hạn chế, một số văn phòng cấp ủy, tổ chức đảng hay cấp ủy viên cấp huyện được phân công theo dõi, phụ trách các đảng ủy xã, phường, thị trấn còn lúng túng trong việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của dân dẫn đến việc tham mưu ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo còn hạn chế; việc phân loại, xử lý đơn, xác định đúng thẩm quyền xử lý, giải quyết còn lúng túng; việc nắm tình hình, đôn đốc, theo dõi kết luận, ý kiến chỉ đạo giải quyết các vụ việc của bí thư cấp ủy có vụ việc còn chưa sát sao, kịp thời; chế độ thống kê, báo cáo còn chậm; trách nhiệm của một số cơ quan có thẩm quyền giải quyết và phối hợp giải quyết các vụ việc, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài chưa được quan tâm đúng mức, chưa có hướng dẫn cụ thể, khoa học, có lúc, có nơi còn né tránh, đùn đẩy, gây bức xúc cho Nhân dân; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, địa phương trong xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo có lúc chưa kịp thời, còn bị động, thiếu chặt chẽ, nhất là đối với những vụ việc khiếu kiện có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cấp, nhiều ngành; việc thực hiện hướng dẫn quy trình tiếp dân, đối thoại, quy trình tiếp nhận, xử lý đơn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của Trung ương chưa hiệu quả; công tác hòa giải, đối thoại, thuyết phục người dân chấm dứt khiếu nại, tố cáo ở cơ sở còn vướng mắc, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cấp trên giao; công tác tham mưu giúp lãnh đạo, chỉ đạo tiếp dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Bí thư cấp ủy có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thống nhất việc bố trí cán bộ chuyên trách lĩnh vực công tác này… Dự báo trong thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, tập trung vào công tác quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, chính sách xã hội, tư pháp, tranh chấp dân sự phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh…; khiếu kiện đông người, phức tạp có thể phát sinh ở những địa phương làm không tốt việc công khai trình tự, thủ tục hành chính, tư pháp, nhất là trong thời gian tới chính sách, pháp luật về lĩnh vực quản lý đất đai, chính sách an sinh xã hội tiếp tục có sự sửa đổi, bổ sung; một số trường hợp người dân sẽ lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo, xúi giục người khiếu kiện gây phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Để nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho người đứng đầu cấp ủy các cấp tiếp dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ở tỉnh Quảng Bình trong tình hình mới, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp sau: Thứ nhất: Để nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho người đứng đầu cấp ủy các cấp tiếp dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, điều kiện tiên quyết cần quan tâm đến yếu tố là đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo ở cơ quan thường trực, tham mưu, giúp việc trực tiếp cho Bí thư cấp ủy. Vì vậy, cần phải chăm lo mọi mặt cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu cho người đứng đầu cấp ủy các cấp. Thường xuyên phổ biến, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ để đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo thường xuyên được cập nhật, bổ sung kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực này để họ vững về chuyên môn nghiệp vụ, tham mưu xử lý, giải quyết các khiếu kiện, phản ánh, kiến nghị vừa thấu tình, đạt lý, đem lại sự hài lòng cho người dân, người khiếu kiện. Tham mưu duy trì nền nếp tiếp công dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, như: Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 05/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính trong tình hình mới; Chỉ thị số 19-CT/UBND ngày 23/12/2020 của UBND tỉnh ban hành về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Định kỳ hằng tháng phải chủ động tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm đánh giá việc tham mưu giúp Bí thư cấp ủy tiếp dân, xử lý đơn, thư; thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc tiếp dân, xử lý đơn, thư, nhất là đối với các huyện, thị xã, thành phố để thống nhất quan điểm trong cơ chế sử dụng cán bộ, việc áp dụng pháp luật để tiếp dân, giải quyết đơn, thư … Thứ hai: Với đặc thù của tỉnh Quảng Bình đã triển khai Tổ Công tác của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra, rà soát việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh và Tổ tham mưu xử lý đơn, thư của Ban Nội chính Tỉnh ủy; kết quả đã giải quyết dứt điểm một số vụ việc, như: vụ việc của ông Lê Viết Lưu, trú tại thôn Hòa Bình, xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy; vụ việc của ông Trần Khánh Vũ, trú tại thôn Lệ Kỳ 3, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh; vụ việc của bà Đoàn Thị Thanh Hương, trú tại 208 đường Trần Hưng Đạo, phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới; vụ việc của ông Cao Thanh Hoài tại Tiểu khu 1 Thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa…. Do đó, phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công văn số 363-CV/TU ngày 06/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện báo cáo công tác tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của 11 cơ quan cấp tỉnh (Đảng đoàn UBMTTQVN tỉnh, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Ban Tiếp công dân tỉnh), 08 huyện ủy, thành ủy, thị ủy để thống nhất việc tổng hợp đơn, thư của tỉnh, nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp trong xử lý đơn, thư của công dân. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho người đứng đầu cấp ủy các cấp tiếp dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ở tỉnh Quảng Bình trong tình hình mới, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, từ cấp tỉnh xuống cấp huyện, cấp xã, giữa các cơ quan cùng cấp, giữa các cơ quan Đảng và chính quyền ngày càng chặt chẽ, hiệu quả để tạo được sự đồng thuận trong xác định phương án giải quyết vụ việc nổi cộm, đông người, phức tạp, kéo dài. Rà soát, làm rõ nguyên nhân các vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết nhưng công dân chưa nhất trí, tiếp tục khiếu kiện phức tạp; những vụ khiếu kiện, tranh chấp có đông người tham gia; các vụ việc kéo dài tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Quá trình rà soát, phát hiện có thiếu sót thì yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh ngay; đồng thời xử lý nghiêm cán bộ gây ra sai sót. Những vụ việc đã được đánh giá khách quan, toàn diện, hết nội dung, đúng quy định của pháp luật thì chấm dứt tiếp, đối thoại và xem xét lại nội dung đơn và thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết vụ việc; đồng thời, tổ chức công khai kết quả giải quyết trước Nhân dân nơi công dân cư trú. Đối với những vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng công dân chưa nhất trí tiếp tục khiếu kiện phức tạp, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động. Trường hợp công dân khiếu kiện kéo dài có khó khăn trong cuộc sống, địa phương nên vận dụng linh hoạt các chính sách để hỗ trợ ổn định cuộc sống và vận động công dân chấm dứt khiếu kiện. Trường hợp vụ việc đã được giải quyết, nếu xác định có căn cứ, có tình tiết mới, địa phương tiếp tục thành lập Tổ công tác hoặc Đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, rà soát lại nội dung, quá trình giải quyết vụ việc; quá trình rà soát, phát hiện có vi phạm, có sai sót sẽ giải quyết lại vụ việc. Đối với các vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có đông người tham gia, những vụ việc tiềm ẩn yếu tố phức tạp, Bí thư cấp ủy cấp huyện phải trực tiếp gặp gỡ, đối thoại. Quá trình giải quyết phải đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân; chú trọng rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật, các cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính liên quan đến vụ việc; phải khẳng định địa phương đã giải quyết hết nội dung, đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Từ đó, để huy động hệ thống chính trị vận động, thuyết phục người dân đồng tình, người dân chấp hành nghiêm quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền; nhất là phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 51-KH/BDVTU ngày 26/8/2019 của Ban Dân vận Tỉnh ủy về triển khai công tác vận động của hệ thống dân vận, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo khi đã có kết luận, bản án có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, kịp thời đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tiếp dân và giải quyết KNTC ở cơ sở; xây dựng, triển khai sử dụng thống nhất phần mềm quản lý công tác tiếp dân, xử lý đơn, thư của cơ quan đảng, chính quyền đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác theo dõi các vụ việc, xử lý đơn, thư tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc không thống nhất trong chỉ đạo xử lý, giải quyết các vụ việc. Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, đề cao đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên cập nhật, bổ sung kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ tham mưu, cán bộ lãnh đạo trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, đô thị, quản lý bảo vệ rừng, quản lý và khai thác khoáng sản trên địa bàn; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành theo thẩm quyền, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, vì đây là lĩnh vực chủ yếu trong nội dung khiếu kiện của người dân. Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy
Các tin đã đăng
|