Kết quả năm đầu triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) trên địa bàn tỉnh ta
Đồng chí Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ CCTP tỉnh kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ CCTP năm 2024. Ảnh. Hiền Chi Báo Quảng Bình Tiếp tục thực hiện Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020; là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, công tác cải cách tư pháp ở tỉnh được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm của Chương trình công tác năm 2023 đề ra. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tự kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, Quy định số 11-QĐi/TW, Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 69-KL/TW của Ban Bí thư theo Kế hoạch số 134-KH/BNCTU ngày 01/6/2023 của Ban Nội chính Trung ương. Các cơ quan tư pháp và các cơ quan có liên quan đã triển khai thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực công tác, nghiệp vụ, tổ chức bộ máy của các đơn vị tiếp tục kiện toàn; trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp được nâng lên rõ rệt. Trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án đã thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ quy định của pháp luật. Công tác giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đúng trình tự, quy định của pháp luật. Công tác bắt, giam, giữ, điều tra không xảy ra trường hợp oan, sai, bức cung, nhục hình, vi phạm pháp luật tố tụng hình sự. Lực lượng Công an đã điều tra kết luận 303/317 vụ phạm tội về trật tự xã hội (đạt tỷ lệ 95,6%); điều tra kết luận 100% án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; tổ chức xác minh, giải quyết 660/715 tố giác, tin báo tội phạm (đạt tỷ lệ 92,31%). Cơ quan cảnh sát điều tra thụ lý 876 vụ/1.459 bị can, trong đó khởi tố mới 624 vụ/1.027 bị can. Chuyển Viện kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 626 vụ /1.128 bị can. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thụ lý kiểm sát 913 tin báo, tố giác tội phạm; đã giải quyết 839 tin báo, (đạt tỷ lệ 92%); kiểm sát điều tra 982 vụ/1.682 bị can; đã giải quyết 770 vụ/1.338 bị can; kiểm sát trong giai đoạn truy tố 723 vụ/1.328 bị can; đã giải quyết 695 vụ/1.254 bị can (đạt tỷ lệ 96,1%); thụ lý kiểm sát xét xử sơ thẩm 786 vụ/1.461 bị cáo; đã giải quyết 721 vụ/1.351 bị cáo; kiểm sát xét xử án phúc thẩm 148 vụ/199 bị cáo, đã giải quyết 126 vụ/174 bị cáo. Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý án hình sự 852 vụ, 1.545 bị cáo; giải quyết, xét xử được 842 vụ, 1.513 bị cáo, đạt tỷ lệ 98,83% về số vụ và 97,93% về số bị cáo (so với năm 2022, thụ lý tăng 06 vụ, giảm 13 bị cáo). Thụ lý vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động 2.372 vụ việc; đã giải quyết, xét xử 2.049 vụ, việc, đạt tỷ lệ 86,38%. Thụ lý án hành chính 36 vụ, giảm 11 vụ so với cùng kỳ năm 2022; đã giải quyết, xét xử 32 vụ, đạt tỷ lệ 88.9%. Một kết quả nổi bật trong hoạt động xét xử - đã được xác định là vấn đề trung tâm trong việc xây dựng chế định tố tụng tư pháp theo Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương là Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh đã tổ chức được 70 phiên tòa xét xử trực tuyến (Tòa án nhân dân tỉnh xét xử 20 phiên tòa, Tòa án nhân dân cấp huyện xét xử 50 phiên tòa), vượt chỉ tiêu TAND tối cao giao 51 phiên tòa (TAND tối cao giao TAND tỉnh tổ chức 3 phiên tòa, mỗi đơn vị TAND cấp huyện 2 phiên tòa); tổ chức điểm cầu thành phần để Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử trực tuyến 68 phiên tòa; phối hợp tổ chức xét xử trực tuyến 03 vụ án hình sự với Tòa án các tỉnh Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh... Trong công tác thi hành án hình sự, đã thực hiện các thủ tục đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện cho 05 phạm nhân, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho 25 phạm nhân. Tòa án nhân dân hai cấp đã ra quyết định thi hành án đối với 1.070 người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 92,72%; quyết định miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với 1.522 phạm nhân do cải tạo tốt; quyết định hoãn thi hành án phạt tù đối với 19 phạm nhân. Việc ra quyết định thi hành án hình sự đảm bảo đúng thời hạn luật định; việc hoãn thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đều có căn cứ theo quy định của pháp luật. Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh đã thi hành xong 3.318 việc, tăng 390 việc (tăng 13%) so với cùng kỳ năm 202; thi hành xong về tiền 242.423.175.000 đồng. Tiếp nhận 26 bản án, quyết định thi hành án hành chính của Tòa án; số bản án, quyết định có nội dung theo dõi 08 việc, trong đó: năm trước chuyển sang 01 việc, số mới thụ lý 07 việc. Số bản án, quyết định không có nội dung theo dõi 18 việc. Đã thi hành xong 02 việc, số bản án, quyết định có nội dung theo dõi chưa thi hành xong 06 việc. Các tổ chức bổ trợ tư pháp hoạt động ngày càng hiệu quả, thể hiện vai trò tích cực. Công tác luật sư có nhiều đổi mới. Các cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trọng tâm là công tác giám định, định giá, công chức, luật sư..., góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCTP và nhiệm vụ chính trị được giao. Sở Tư pháp đã phê duyệt Kế hoạch công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2023; ban hành, triển khai văn bản trong lĩnh vực TGPL và chỉ đạo Trung tâm TGPL Nhà nước tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật TGPL, Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025, chính sách TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia và an sinh xã hội trên cơ sở các Kế hoạch đã ban hành. Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện, biên soạn in ấn 25.000 tờ rơi về pháp luật TGPL để cấp phát tại các hội nghị truyền thông về TGPL... Đã tổ chức Hội nghị truyền thông pháp luật về TGPL với sự tham gia của nhiều đối tượng. Trong năm, đã hoàn thành 238 vụ việc cho 238 người thuộc diện được TGPL, tăng 3,47% so với cùng kỳ (năm 2022, số vụ việc TGPL hoàn thành là 230 vụ cho 230 người thuộc diện được TGPL). Tỉnh đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án "Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025"; đã tổ chức 10 lớp tập huấn bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho hòa giải viên tại các huyện, thị xã, thành phố. Việc kiện toàn, củng cố các tổ hòa giải luôn được quan tâm, đến nay, toàn tỉnh có 1.219 tổ hòa giải với 8.148 hòa giải viên. Năm 2023, các tổ hòa giải đã thụ lý 663 vụ việc; hòa giải thành 513 vụ việc; hòa giải không thành 136 vụ việc; số vụ việc chưa giải quyết xong 14 vụ việc. Trong đó, hòa giải thành đạt tỷ lệ 79% (bằng tỷ lệ hòa giải thành năm 2022). Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy và Hội Luật gia tỉnh đã phối hợp thực hiện để đại diện Hội Luật gia tỉnh tham gia tư vấn pháp luật liên quan đến nội dung kiến nghị của công dân theo định kỳ. Các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện 135 việc (48 việc tham gia tố tụng, 54 việc tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác và 33 việc trợ giúp pháp lý miễn phí), tăng 11,57% vụ việc so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 đã thực hiện 121 việc); doanh thu trên 368 triệu đồng, gần tương đương cùng kỳ năm 2022 (năm 2022, doanh thu trên 367 triệu đồng), nộp ngân sách trên 29 triệu đồng. Các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện 37.910 việc công chứng (giảm 31,11% so với cùng kỳ năm 2022); tổng số phí công chứng thu được trên 19 tỷ, (giảm 29,9% so với cùng kỳ năm 2022); nộp ngân sách trên 2,5 tỷ đồng. Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh bổ nhiệm 02 Giám định viên tư pháp; Quyết định công nhận, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định theo vụ việc của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông; tổ chức kiểm tra công tác giám định tư pháp. Văn phòng Thừa phát lại Đồng Hới lập 136 vi bằng. Công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động tư pháp, nhiệm vụ cải cách tư pháp và xây dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được đẩy mạnh. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ quan tư pháp được quan tâm chi đạo thực hiện. Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã tổ chức giám sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về giám định pháp y trong tố tụng hình sự và tố tụng dân sự trên địa bàn tỉnh đối với Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh (Sở Y tế), Tòa án nhân dân tỉnh, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh. Qua giám sát đã chỉ ra được một số hạn chế, thiếu sót và kiến nghị khắc phục. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ án còn bị kéo dài, thiếu kịp thời, toàn diện; vẫn còn án bị hủy, cải sửa do nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán, còn có án sơ thẩm bị hủy để điều tra lại, nhất là một số vụ án dư luận xã hội quan tâm. Công tác phối hợp của các cơ quan tố tụng có lúc chưa chặt chẽ, một số vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung. Chất lượng tranh tụng - đã được Nghị quyết 27-NQ/TW xác định là khâu đột phá chưa thực sự rõ nét, nhất là chất lượng của kiểm sát viên tại một số phiên tòa. Trong công tác thi hành dân sự, một số vụ việc có điều kiện thi hành nhưng chưa được tổ chức thi hành dứt điểm. Số tiền thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt trong các vụ án liên quan đến các tổ chức tín dụng ngân hàng tồn đọng khá cao; công tác cưỡng chế giao tài sản đấu giá thành cho người mua trúng đấu giá còn chậm. Một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 và thời gian tới Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt thực hiện nghiêm túc, kịp thời chủ trương, định hướng của Đảng về cải cách tư pháp, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), Chương trình hành động số 23-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và các văn bản khác có liên quan công tác cải cách tư pháp đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong tỉnh. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của các cơ quan tư pháp và việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp. Định hướng các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền hoạt động tư pháp và những điểm mới về chủ trương cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tiếp tục lãnh đạo việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan đến hoạt động cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến hoạt động cải cách tư pháp. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, bảo đảm thống nhất quan điểm, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là các vụ án thuộc diện các cấp có thẩm quyền theo dõi, chỉ đạo. Tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án và chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; tổng kết thực tiễn công tác xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, góp phần phát triển án lệ. Giải quyết dứt điểm một số vụ việc thi hành án dân sự tồn đọng, nhất là các vụ có giá trị tài sản lớn, các vụ phức tạp, kéo dài cần phải thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp; tăng cường, đảm bảo cơ sở vật chất, ưu tiên trang bị phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm, công tác kiểm sát, xét xử, giám định tư pháp. Lãnh đạo việc triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch, Đề án đã được ban hành trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp; trong đó chú trọng các giải pháp để phát triển phù hợp các tổ chức hành nghề công chứng, luật sư, Văn phòng Thừa phát lại. Tăng cường lãnh đạo chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trong đó chú trọng tăng cường tham mưu các giải pháp nhằm phòng ngừa các vi phạm trong hoạt động hành nghề của các tổ chức bổ trợ tư pháp, hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, đơn vị trong thi hành pháp luật về bổ trợ tư pháp. Chỉ đạo Đại hội Hội Luật gia các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029, Đại hội Đoàn Luật sư tỉnh nhiệm kỳ 2024 - 2029 đúng kế hoạch của Đảng đoàn, Hội Luật gia Việt Nam và Đảng đoàn, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, trọng tâm là công tác giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, việc bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, các cấp có thẩm quyền đối với hoạt động tư pháp và cơ quan tư pháp. Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất nội dung kiểm tra, giám sát chuyên đề về cải cách tư pháp. Tiếp tục lãnh đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp; thực hiện việc chuyển đổi số hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thanh Minh (Phòng Nội chính)
Các tin đã đăng
|