Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Cốt lõi của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực là phải kiểm soát cho được quyền lực, bảo đảm quyền lực phải được thi hành đúng. Việc “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng” là một “giải pháp trọng yếu để cuộc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả thiết thực”[1]. 1. Quan điểm, chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, Đảng ta đã nhận thấy những hạn chế, yếu kém trong xây dựng, thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực. Vì vậy, tại Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ “Chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp”. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra “Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, Nhà nước chưa thật đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả chưa cao”. Vậy nên, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền”; “Thiết lập cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực hiệu quả”. Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 6 khóa XII tiếp tục yêu cầu “Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện”. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của đại hội đã đề ra giải pháp “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có yêu cầu phải “Hoàn thiện cơ chế để Nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước”; “Nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”; “Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức. Để thực hiện có hiệu quả các yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Đến ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Ngày 27/6/2024, Quy định 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công cũng được ban hành - Đây là những văn bản quy định cụ thể về việc kiểm soát quyền lực chặt chẽ, có sự ràng buộc bằng trách nhiệm để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thể hiện rõ quyết tâm của Đảng về việc chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tại địa bàn tỉnh Quảng Bình, với tinh thần kịp thời, xuyên suốt, đồng bộ, có hiệu quả, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, ngày 27/5/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 162-KH/TU thực hiện Quy định 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; ngày 24/7/2024, tiếp tục ban hành Kế hoạch số 170-KH/TU kế hoạch thực hiện Quy định 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; ngày 07/10/2024 ban hành Kế hoạch số 181-KH/TU thực hiện Quy định 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Việc kịp thời quán triệt văn bản của Trung ương và cụ thể hóa để triển khai thực hiện đã thể hiện rõ sự quyết tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình trong kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 2. Vì sao phải ràng buộc và kiểm soát quyền lực? Bởi kiểm soát quyền lực là mấu chốt để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. Cốt lõi của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực là phải kiểm soát cho được quyền lực, bảo đảm quyền lực phải được thi hành đúng. Kết quả phát hiện, xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, liên quan tới một số cán bộ lãnh đạo cao cấp gần đây cho thấy tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền lực đang ở mức đáng báo động, trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành. Do vậy, việc “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng” là một “giải pháp trọng yếu để cuộc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả thiết thực”. Việc phải ràng buộc và kiểm soát quyền lực còn được phản ảnh rõ qua các số liệu cụ thể sau: Trên bình diện chung, trong 10 năm (2012-2022), các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 12/2022, đã khởi tố, điều tra trên 4.200 vụ, với hơn 7.500 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Trong đó, đáng lưu tâm là đã xử lý hình sự 25 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt, rõ đến đâu, xử lý đến đó, tiến độ xử lý các vụ án quan trọng được đẩy nhanh, nhiều cán bộ cao cấp bị khai trừ ra khỏi Đảng, nhất là từ sau khi Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hai cấp đi vào hoạt động đến nay. Ở tỉnh ta, trong 10 năm (2014-2024), các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 49 vụ án/68 bị can, truy tố 45 vụ/58 bị can, xét xử 32 vụ/48 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế (có bị cáo là đảng viên, giữ chức vụ quản lý). Như vậy, mặc dù còn hạn chế nhất định trong ràng buộc và kiểm soát quyền lực, nhưng thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng; nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, sai phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý dứt điểm, nghiêm khắc, đúng pháp luật, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế. 3. Một số giải pháp trong ràng buộc, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới Trên cơ sở kết quả thực hiện trong thời gian qua; những yêu cầu cần thiết của việc ràng buộc và kiểm soát quyền lực trong thời gian tới đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần thực hiện một số giải pháp sau: Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thứ hai, tiếp tục đa dạng và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trên cơ sở đó, cụ thể hóa các văn bản quy định của Trung ương để triển khai thực hiện hiệu quả tại địa phương. Thứ ba, quyết liệt hơn về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; trong công tác hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát quyền lực để ràng buộc quyền lực, kiểm soát quá trình thực thi quyền lực. Thứ năm, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hai cấp trong kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.
Lê Hà Anh Tâm, Phòng TDCT PCTN, BNCTU
Các tin đã đăng
|