KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP BAN NỘI CHÍNH TỈNH ỦY (05/6/2013 – 05/6/2024): Liêm chính trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Trong chế độ công vụ liêm chính, vấn đề cốt lõi là ứng xử, đạo đức và văn hóa của đội ngũ cán bộ, công chức. Việc xây dựng chế độ công vụ liêm chính có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo đảm nền công vụ đạt được mục tiêu là phục vụ, kỷ cương, trung thực, trách nhiệm và phi tham nhũng; là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay[1]. 1. Liêm chính, công vụ, chế độ công vụ liêm chính và mối quan hệ với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thuật ngữ "Liêm chính" theo Từ điển Tiếng Việt được hiểu là trong sạch và ngay thẳng. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Liêm" là liêm khiết (không tham ô và luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân), "Liêm" còn là trong sạch, không tham lam (không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình); "Chính" nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn[2]. Thuật ngữ "Công vụ" theo Từ điển Tiếng Việt được hiểu là việc công. Với giải thích này có thể coi công vụ là tất cả những công việc được giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã, … trong bộ máy nhà nước, trong lực lượng vũ trang hoặc trong các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chung của cộng đồng, của toàn xã hội[3]. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tại Điều 2 Luật cán bộ, công chức năm 2008 quy định "Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan". Với quy định này có thể hiểu, công vụ là hoạt động của mọi cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và cả trong đơn vị lực lượng vũ trang, … và gắn liền với việc thực thi quyền lực nhà nước, bao gồm cả quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp nhưng tập trung nhiều nhất là trong hoạt động hành chính nhà nước. Trong nhiều văn bản, tài liệu trong và ngoài nước, ý nghĩa của "liêm, chính" không chỉ đơn thuần là sự cộng hợp về ngữ nghĩa chữ "liêm" và chữ "chính" của mỗi con người, cá nhân có chức vụ, quyền hạn mà gồm nhiều yếu tố không thể tách rời nhau và có mối liên hệ mật thiết với nhau, hình thành "chế độ liêm chính" mà trọng tâm là "chế độ công vụ liêm chính". Trong chế độ công vụ liêm chính, vấn đề cốt lõi là ứng xử, đạo đức và văn hóa của đội ngũ cán bộ, công chức. Việc xây dựng chế độ công vụ liêm chính có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo đảm nền công vụ đạt được mục tiêu là phục vụ, kỷ cương, trung thực, trách nhiệm và phi tham nhũng. Bên cạnh đó, tại Khoản 1, Điều 3, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định 'Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dung chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi". Đồng thời, cũng xác định "Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ". Với quan niệm như trên thì hoạt động công vụ có thể coi là lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng phổ biến nhất. Điều đó cho thấy, xây dựng chế độ công vụ liêm chính vừa là mục tiêu của nền hành chính và cũng là mục tiêu đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Và việc xây dựng chế độ công vụ liêm chính là một trong số giải pháp quan trọng nhằm góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Nguồn ảnh http://www.tulieuvankien.dangcongsan.vn) 2. Liêm chính và mối quan hệ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trong tác phẩm "Cần, kiệm, liêm, chính", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi liêm, chính là hai trong bốn đức của mỗi con người, mỗi cá nhân, đặc biệt là với cán bộ. Chữ "Liêm" được hiểu là trong sạch, không tham lam. Chữ "Chính" được hiểu là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Liêm chính là giá trị đạo đức cơ bản, là nguyên tắc, thước đo chuẩn mực đối với người cán bộ, đảng viên trong công việc cũng như trong cuộc sống thường ngày. Trong tác phẩm này, "liêm" và "chính" đã gắn liền với công tác phòng, chống tham nhũng. Người viết: "Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có “dĩ công vi tư”; "Người cán bộ cậy quyền, cậy thế mà đục khoét, ăn của đút, hoặc trộm của công dân làm của tư, dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình. Gặp việc phải, sợ khó nhọc, nguy hiểm không giám làm, v.v… tất cả đều bất liêm". Đã tham là bất liêm; đã bất liêm thì không là đạo đức và đây là một trong những nguồn gốc của tệ tham nhũng[5]. Trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, thuật ngữ liêm chính được sử dụng phổ biến hơn so với chế độ công vụ liêm chính và thường gắn liền với đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người liên quan trực tiếp đến việc thực thi quyền hành chính. Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đề ra mục tiêu xây dựng "đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính", và đưa ra giải pháp "Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử nhằm bảo đảm sự liêm chính của đảng viên, cán bộ, công chức". Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 25 tháng 5 năm 2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng đề ra nhiệm vụ "Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động và bảo đảm sự liêm chính trong đội ngũ cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử". Và với việc xác định vấn đề cốt lõi trong chế độ công vụ liêm chính là ứng xử, đạo đức và văn hóa của đội ngũ cán bộ, công chức. Tại Chương II, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã dành 04 điều trong Mục 3 để quy định việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, gồm: (1)Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; (2)Thẩm quyền ban hành quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; (3)Tặng quà và nhận quà tặng; (4)Kiểm soát xung đột lợi ích; đồng thời, mở rộng ra đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tại Mục 1, Chương VI với 02 điều để quy định việc xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng[4]. Trước đó, Luật cán bộ, công chức năm 2008 cũng quy định cụ thể về đạo đức của cán bộ, công chức (Điều 15); văn hóa giao tiếp ở công sở (Điều 16); văn hóa giáo tiếp với nhân dân (Điều 17) trong thực thi nhiệm vụ, công vụ[6].
(Nguồn ảnh http://www.tulieuvankien.dangcongsan.vn) Ngay tại Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ, Nghị quyết ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 cũng xác định mục tiêu chung là "Ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, liêm chính; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội", để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ đã đưa ra năm nhóm nhiệm vụ cần phải thực hiện; trong đó, có nhiệm vụ "Kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật". Xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân cũng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên hằng năm của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở hai cấp. 3. Một số giải pháp nhằm nâng cao chế độ công vụ liêm chính góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Để nâng cao chế độ công vụ liêm chính, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay và để "văn hóa liêm chính-liều kháng sinh đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực"[8] cần thực hiện hiệu quả các giải pháp cơ bản sau: Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về liêm chính; vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng chế độ liêm chính trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn liền với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về văn hóa liêm chính trong Đảng và trong xã hội. Đồng thời, đổi mới, nâng cao hiệu quả các phương thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh chủ động tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từng bước xây dựng và hình thành văn hóa liêm chính trong xã hội[7]. Thứ hai, chú trọng xây dựng, hoàn thiện và đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Đây là giải pháp trọng tâm trong xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, kiến tạo, phát triển; cần kiên quyết gỡ bỏ các rào cản, loại trừ các quy định pháp luật không rõ ràng, minh bạch, có biểu hiện lợi ích nhóm, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ để hình thành văn hóa liêm chính như là giải pháp căn cơ để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thứ tư, thường xuyên, tăng cường giáo dục liêm chính, kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kết hợp giữa giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, đảng viên với giáo dục truyền thống liêm chính của người dân địa phương để khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Thứ tư, cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia, các tỉnh bạn về giáo dục liêm chính để tham mưu, đề xuất tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, đạo đức liêm chính cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn./. Tài liệu tham khảo: [1]Thực hành văn hóa liêm chính để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, Ths Nguyễn Quang Bình, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, http://www.noichinh.vn/nghien-cuc-trao-doi [2]http://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDoc Name=MOFUCM119790 [3]Xây dựng chế độ công vụ liêm chính góp phần phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, Ts Nguyễn Tuấn Khanh, Pháp luật PCTN Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Tư pháp, năm 2018, tr116-123 [4]Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 [5]http://www.baochinhphu.vn/nho-loi-can-dan-cua-chu-tich-ve-phong-chong-tam-nhung-102220610182742791.html [6]Luật cán bộ, công chức năm 2008 [7]http://www.đaiđoanket.vn/xay-dung-nen-cong-vu-liem-chinh-de-phong-chong-tham-nhung-10270187.html [8]http://www.tulieuvankien.dangcongsan.vn.
Các tin đã đăng
|