Một số kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo đảm an ninh nông thôn trên địa bàn huyện Tuyên Hóa
Ban biên tập Trang thông tin điện tử Ban Nội chính Tỉnh ủy trân trọng giới thiệu tham luận của đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa tại Hội nghị tổng kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 do Tỉnh ủy tổ chức ngày 04/01/2021. Đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh: CDC Quảng Bình)
Năm 2021, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong tình hình chung của đất nước, của tỉnh và những khó khăn đặc thù của huyện miền núi; đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện, Tuyên Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đạt 9,87% trên kế hoạch 10,76%, dù chưa đạt kế hoạch đề ra, nhưng là mức tăng trưởng cao trong điều kiện dịch bệnh Covid - 19. Nông nghiệp được mùa toàn diện, cả về năng suất, giá trị. Tổng sản lượng lương thực đạt cao nhất từ trước đến nay. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các ngành thương mại, dịch vụ duy trì hoạt động ổn định; nguồn cung các loại hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp. Thu ngân sách vượt kế hoạch. Các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, giảm nghèo và an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; đời sống Nhân dân ổn định. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các chỉ tiêu về xây dựng Đảng đều đạt kế hoạch đề ra. Cử tri và Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương các cấp. Đạt được kết quả đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được Ban Thường vụ Huyện ủy Tuyên Hóa xác định để tập trung lãnh đạo chỉ đạo là công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện bảo đảm an ninh nông thôn trên địa bàn huyện Tuyên Hóa; đặc biệt là từ khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4 ở các tỉnh phía Nam, số lượng công dân người Tuyên Hóa sinh sống và làm việc ở các tỉnh miền Nam trở về huyện đông, có khoảng trên 10.000 lượt công dân từ các tỉnh phía Nam về tại địa phương, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn huyện.
Xác định được vấn đề đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Tuyên Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số vấn đề chính sau:
Thứ nhất, tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động phòng ngừa, phát hiện, giải quyết tại chỗ, ngay từ cơ sở những nguy cơ gây mất ổn định an ninh nông thôn, không để trở thành “điểm nóng”, xây dựng phương án phòng chống tụ tập đông người, biểu tình, bạo loạn. Qua đó đã chỉ đạo giải quyết ổn định 03 vụ việc người dân tập trung đông người khiếu nại liên quan vấn đề ô nhiễm môi trường, thi công dự án tại địa bàn xã Thạch Hóa, Tiến Hóa và Đức Hóa[1]; tuyên truyền, vận động 15 hộ dân ở thôn Bàu 3, xã Tiến Hóa đồng tình ủng hộ việc nổ mìn thực nghiệm khảo sát rung chấn ảnh hưởng tại mỏ đá Lèn Bảng; chỉ đạo chính quyền xã Tiến Hóa đấu tranh, ngăn chặn thành công ý đồ dựng biển hiệu bằng đá nguyên khối lấn chiếm hành lang an toàn giao thông của giáo họ Minh Tiến, xã Tiến Hóa; giải quyết ổn định tình hình đất đai liên quan tôn giáo tại xã Kim Hóa, Đồng Hóa, Thanh Hóa, Thanh Thạch; thành lập 02 tổ liên ngành để giải quyết dứt tình hình đơn thư khiếu kiện trước bầu cử, không để phức tạp xảy ra; đấu tranh, xử lý vi phạm hành chính đối với 02 trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo có hoạt động quá khích, gây mất an ninh trật tự[2].
Thứ hai, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Trong năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các Ban, Văn phòng Huyện ủy, Thanh tra huyện phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Tỉnh ủy tập trung rà soát các đơn thư phức tạp, kéo dài. Kết quả đã rà soát và ban hành thông báo chấm dứt không giải quyết các nội dung khiếu kiện, khiếu nại đã được giải quyết đối với 06 trường hợp khiếu kiện, khiếu nại chây ỳ, kéo dài. Các cơ quan chức năng của huyện cũng đã tiếp nhận và giải quyết 69 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân; tại phòng tiếp công dân của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức 123 phiên tiếp công dân với 130 lượt người dân đến phản ánh, kiến nghị.
Thứ ba, chỉ đạo giải quyết tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2021, số hộ nghèo của huyện giảm 401 hộ, chiếm 1,65%, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 5.07%. Đã giải quyết việc làm cho 3.501 lao động, đạt 100.02%, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 đã đề ra. Được sự hỗ trợ của tỉnh, trong năm, huyện đã xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 02 khu tái định cư để các hộ dân vùng sạt lở tại xã Thạch Hóa, Thuận Hóa ổn định cuộc sống. Chỉ đạo chính quyền 2 xã Lâm Hóa, Thanh Hóa phối hợp với Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh xây dựng và bàn giao, đưa vào sử dụng 22 nhà đại đoàn kết và công trình nước sạch cho bà con người Mã Liềng (dân tộc Chứt) ở bản Cà Xen, xã Thanh Hóa và các bản Kè, Cáo, Chuối, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, trị giá gần 3 tỷ đồng...
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Tuyên Hóa đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác hỗ trợ công dân ở miền Nam, hỗ trợ đưa công dân ở miền Nam về và giải quyết việc làm cho số lao động trở về quê hương. Huyện đã tích cực phối hợp với với tỉnh đưa 444 công dân từ miền nam trở về bằng đường hàng không và đường sắt; tổ chức tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 400 lao động, có hơn 100 công dân đăng ký xuất khẩu lao động. Phối hợp với tỉnh kịp thời giúp đỡ cho 3613 lao động hoàn cảnh khó khăn được nhận gói hỗ trợ 01 triệu đồng/người và đang tiếp tục đề nghị tỉnh hỗ trợ gói 01 triệu đồng/người cho một số trường hợp lao động hoàn cảnh khó khăn chưa nhận được sự hỗ trợ từ các đợt trước.
Thứ tư, thành lập các tổ, các mô hình về đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở như: “Tổ liên gia tự quản về an ninh trật tự”, “Thôn bản nói không với ma túy, “Giáo xứ đảm bảo an ninh trật tự” ở xã Kim Hóa, “xã bình yên, gia đình hòa thuận” ở Thanh Thạch, “Sáu không ba phòng” ở cụm giáo dân Ba Cồn..., góp phần ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện nói chung, an ninh tại nông thôn nói riêng.
Thứ năm, thực hiện tốt công tác đối thoại trực tiếp với nhân dân của Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện. Trong năm 2021, Bí thư Huyện ủy đã tổ chức đối thoại trực tiếp với cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Thanh Hóa về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Chủ tịch UBND huyện đối thoại trực tiếp với nhân dân xã Lê Hóa về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Thông qua đối thoại đã giúp cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nắm được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phát hiện những vấn đề còn vướng mắc, phát sinh để giải quyết kịp thời, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm an ninh nông thôn cho thấy bài học kinh nghiệm, đó là: thu nhỏ sự việc, giải quyết ngay tại cơ sở, nơi mới phát sinh, không để lây lan, kéo dài; coi trọng việc đối thoại với người dân để làm rõ nguyên nhân, giải quyết hài hòa lợi ích chính đáng của người dân, lợi ích doanh nghiệp; việc xảy ra ở một địa bàn, khi xem xét, giải quyết phải đặt trong mối quan hệ bảo đảm an ninh trong phạm vi xã, huyện, với các vấn đề khác như: An ninh chính trị nội bộ, tôn giáo, dân tộc…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm an ninh nông thôn trên địa bàn huyện vẫn còn những khó khăn, phức tạp: Tại một số địa bàn cơ sở vẫn còn những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý; các vấn đề tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân vẫn còn tiềm ẩn; một số vụ việc, đơn thư khiếu nại, tố cáo đã giải quyết nhưng người dân vẫn còn cố chấp, chây ỳ, mang tính chất mâu thuẫn cá nhân với nhau, dẫn đến dây dưa, kéo dài.
Để tiếp tục bảo đảm ổn định an ninh nông thôn trên địa bàn huyện, thời gian tới, huyện Tuyên Hóa tập trung một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm an ninh nông thôn; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm an ninh nông thôn, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác nắm và xử lý tình hình. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham gia giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, bảo đảm đúng pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Chủ động kiểm tra, thanh tra, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sơ hở, thiếu sót, sai phạm trong triển khai thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở. Tập trung công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên, môi trường và triển khai thực các dự án kinh tế, chế độ chính sách an sinh xã hội tại địa bàn.
Thứ ba, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp vận động quần chúng trong phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phong trào Dân vận khéo của Đảng gắn với chăm lo, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Tập trung xây dựng các mô hình nhân dân tự quản, tự phòng, tự bảo vệ gắn với các phòng trào khác ở nông thôn; phát huy vai trò người có uy tín, ảnh hưởng ở cơ sở vào việc tuyên truyền, vận động quần chúng, tham gia giải quyết các vấn đề nổi lên ở nông thôn.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm an ninh nói chung, an ninh nông thôn nói riêng, Đảng bộ và nhân dân huyện Tuyên Hóa luôn mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ của Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan chức năng nhằm đấu tranh có hiệu quả các hoạt động gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phẩn giữ vững ổn định tình hình phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Nguyễn Hoài Nam, TUV, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa [1] Vụ việc 10 hộ dân ở xã Thạch Hóa tập trung đến mỏ đá Mai Thanh để khiếu nại, yêu cầu đền bù thiệt hại 18 ngôi mộ bị vùi lấp do hoạt động khai thác đá gây ra; Vụ việc 20 hộ dân ở thôn Cương Trung C, xã Tiến Hóa tập trung trước cổng của nhà máy xi măng để phản đối, khiếu nại liên quan vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động nhà máy xi măng Sông Gianh gây ra; Vụ việc 08 hộ dân ở thôn Phúc Tùng, xã Đức Hóa kéo đến công trình dự án xây kè chống sạt lở dọc tuyến sông Gianh để phản đối nhà thầu xây dựng không đúng thiết kế, lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp của người dân. [2] Trường hợp Nguyễn Bình Dương thường trú tại xã Phong Hóa có hành vi lợi dụng khiếu kiện gây rối trật tự tại trụ sở xã Phong Hóa; trường hợp Đoàn Xuân Chín ở thôn Phúc Tùng, xã Đức Hóa khiếu kiện vượt cấp, đăng tải thông tin sai sự thật trên không gian mạng liên quan nhân sự bầu cử đại biểu HĐND cấp xã.
Các tin đã đăng
|