Một số vướng mắc qua thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về định giá tài sản trong tố tụng dân sự
Định giá tài sản trong tố tụng dân sự là một trong những biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ trong tố tụng dân sự do cơ quan Tòa án thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử để làm căn cứ xác định giá trị tài sản khi giải quyết vụ án. Đồng chí Nguyễn Lương Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh - Trưởng Đoàn giám sát định giá tài sản trong tố tụng kết luận tại buổi làm việc với cơ quan điều tra - Công an tỉnh
Hiện nay, việc định giá tài sản trong tố tụng dân sự được quy định tại Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, việc cung cấp thông tin về giá tài sản trong giải quyết các vụ án dân sự được thực hiện thông qua 03 hình thức: (1) đương sự có quyền cung cấp giá tài sản đang tranh chấp; thỏa thuận về giá tài sản đang tranh chấp; (2) các đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án; (3) Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá khi thuộc một trong các trường hợp: Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự; các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản; các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá. Trường hợp thành lập Hội đồng định giá để định giá tài sản thì trình tự, thủ tục được thực hiện như sau: (1) Hội đồng định giá do Tòa án thành lập gồm Chủ tịch Hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính và thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan. Hội đồng định giá chỉ tiến hành định giá khi có mặt đầy đủ các thành viên của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá. Các đương sự được thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành định giá, có quyền tham dự và phát biểu ý kiến về việc định giá. Quyền quyết định về giá đối với tài sản định giá thuộc Hội đồng định giá; (2) Cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan có trách nhiệm cử người tham gia Hội đồng định giá và tạo điều kiện để họ làm nhiệm vụ; (3) Việc định giá phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ ý kiến của từng thành viên, đương sự nếu họ tham dự. Quyết định của Hội đồng định giá phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Các thành viên Hội đồng định giá, đương sự, người chứng kiến ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản. Như vậy, trình tự, thủ tục định giá tài sản, định giá lại tài sản trong hoạt động tố tụng dân sự đã được pháp luật quy định tương đối cụ thể về thành phần, cách thức thực hiện. Tuy vậy, thực tiễn thi hành còn có nhiều vướng mắc, bất cập, phần nào làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết các vụ án dân sự của Toà án, cũng như gây khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành án. Thứ nhất, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về định giá tài sản còn chung chung, mới chỉ dừng lại ở trình tự, thủ tục yêu cầu của đương sự và việc thành lập Hội đồng định giá, chưa quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng định giá tài sản. Thứ hai, theo Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì các đương sự có quyền phát biểu ý kiến về việc định giá, nhưng quyền quyết định cuối cùng thuộc về Hội đồng định giá tài sản. Điều này đã phần nào làm giảm đi quyền quyết định về giá đối với tài sản của các bên đương sự. Thứ ba, việc định giá lại chỉ được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết quả định giá lần đầu không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế không có văn bản, căn cứ hoặc hướng dẫn nào để xác định giá tài sản lần đầu là không chính xác và như thế nào là xác định giá tài sản theo giá thị trường. Đây là vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp, bởi giá thị trường là một khái niệm thuộc lĩnh vực kinh tế động, khó xác định chính xác, đặc biệt đối với đất đai, nhà ở, chứng khoán, cổ phiếu… Thứ tư, đối với việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá, theo Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì đương sự có quyền tự thỏa thuận về giá tài sản, nếu không thỏa thuận được thì có quyền lựa chọn tổ chức thẩm định giá. Theo đó, Tòa án chỉ yêu cầu tổ chức thẩm định giá tiến hành định giá tài sản tranh chấp nếu các đương sự cùng thống nhất lựa chọn. Trong khi đó, số vụ án các đương sự cùng nhất trí lựa chọn tổ chức thẩm định giá còn rất hạn chế, do các đương sự chưa có sự tin tưởng vào các tổ chức định giá và chi phí phải trả cho tổ chức thẩm định giá cao so với Hội đồng định giá do Tòa án thành lập; bên cạnh đó, thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá tối đa không quá 06 tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực. Thứ năm, về tính khấu hao tài sản, hiện tại, chưa có văn bản nào hướng dẫn việc tính khấu hao tài sản khi định giá tài sản trong tố tụng dân sự, dẫn đến Hội đồng định giá tài sản rất lúng túng trong quá trình tính khấu hao. Có một số loại tài sản đã hết khấu hao, không còn giá trị sử dụng (công trình, vật kiến trúc, phương tiện, máy móc như nhà ở, ô tô, xe máy, đồ dùng sinh hoạt…) nhưng đương sự vẫn đang sử dụng có Hội đồng định giá tính là đã hết khấu hao, không còn giá trị, nhưng có Hội đồng định giá lại xác định còn giá trị sử dụng. Để nâng cao hiệu quả công tác định giá tài sản phục vụ công tác giải quyết các vụ án dân sự tại Toà án, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về định giá tài sản trong tố tụng dân sự, đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự và giúp cho Tòa án giải quyết các vụ án dân sự nhanh chóng, hiệu quả. Theo đó, cần ban hành các văn bản hướng dẫn việc định giá theo giá thị trường; hướng dẫn việc tính khấu hao tài sản để làm cơ sở cho Hội đồng định giá áp dụng; quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan tài chính và các cơ quan có liên quan trong việc cử người tham gia Hội đồng định giá tài sản; quyền hạn, trách nhiệm pháp lý của các thành viên tham gia Hội đồng định giá tài sản đối với kết quả định giá do mình đưa ra; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý đối với hành vi chống đối, cản trở hoạt động của Hội đồng thẩm định tài sản; không thi hành hoặc cản trở việc thi hành quyết định định giá giá tài sản./.
Các tin đã đăng
|