Nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
Thời gian qua, công tác giám định tư pháp về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. “Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này” (theo khoản 1, Điều 2 Luật Giám định tư pháp năm 2012; được sửa đổi bởi khoản 1, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp 2020). Từ quy định trên cho thấy: giám định tư pháp có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng và trong đời sống xã hội; đó là hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và một số hoạt động khác. Kết luận giám định tư pháp là nguồn chứng cứ khoa học quan trọng, giúp cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được chính xác, khách quan, nhanh chóng và đúng pháp luật. Trước yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn và công cuộc cải cách tư pháp nói chung, đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng, giám định tư pháp đã góp phần không nhỏ để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong lĩnh vực này. Tình hình hoạt động của người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn Theo Quyết định số 2106/QĐ-UBND ngày 31/7/2023 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm là tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc và có 07 người giám định tư pháp theo vụ việc (người có thời gian thực tế hoạt động chuyên môn cao nhất là 30 năm kinh nghiệm). Trong những năm qua, người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp cùng các đơn vị, cá nhân có liên quan trong các cơ quan khối Nội chính tiếp nhận Quyết định trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp, trả kết luận giám định tư pháp cho người trưng cầu giám định và lưu trữ hồ sơ giám định theo đúng quy định. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc Chi cục Kiểm lâm đã thực hiện giám định 08 vụ việc (gồm: 05 vụ việc về phá rừng trái pháp luật; 01 vụ việc về khai thác rừng trái pháp luật; 01 vụ việc về cháy rừng; 01 vụ việc về vận chuyển gỗ và khai thác rừng trái pháp luật), chưa có trường hợp từ chối tiếp nhận, thực hiện giám định tư pháp. Các kết quả giám định đều đảm đảm bảo được tính chính xác, khách quan, đáp ứng được yêu cầu giám định tư pháp về lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Ảnh. Người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình thực hiện giám định vụ cháy rừng tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giám định - Một số quy định pháp luật về giám định tư pháp còn chưa cụ thể; chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác có liên quan còn thấp, chưa đáp ứng tương xứng với nhiệm vụ được giao cho đội ngũ người giám định tư pháp theo vụ việc và người giúp việc cho người giám định tư pháp. - Địa bàn tỉnh Quảng Bình chưa có tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc về lâm nghiệp ngoài công lập; việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và phương tiện phục vụ cho công tác giám định về lâm nghiệp còn hạn chế, chủ yếu do ngân sách nhà nước cấp kinh phí; ngoài ra, một số trang thiết bị, máy móc khác mặc dù đã được trang cấp nhưng chưa được đầu tư đồng bộ nên ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác giám định. - Đội ngũ người giám định tư pháp theo vụ việc về lâm nghiệp đã được công nhận, đăng tải danh sách là cán bộ, công chức đang công tác tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh và đơn vị trực thuộc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp về lâm nghiệp một cách bài bản, chuyên sâu, mà chủ yếu dựa vào kiến thức chuyên môn thuần túy về lâm nghiệp để thực hiện giám định. - Cơ quan trưng cầu giám định chưa thường xuyên có sự trao đổi thông tin, thông báo kết quả sử dụng kết luận giám định đến trực tiếp các cá nhân, tổ chức giám định tư pháp về lâm nghiệp để rút kinh nghiệm chung; một số vụ việc cơ quan trưng cầu đã nhận kết luận giám định tư pháp nhưng nguồn kinh phí chi trả cho người giám định vẫn chưa có. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới, đòi hỏi sự quan tâm hơn nửa của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp chặt chẻ của các ngành chức năng để đảm bảo thực hiện tốt một số giải pháp sau: - Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật trong giám định tư pháp về lâm nghiệp; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan về vị trí, vai trò của giám định tư pháp về lâm nghiệp. - Tiếp tục thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về giám định tư pháp; kịp thời nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giám định tư pháp về lâm nghiệp để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tạo cơ chế pháp lý cho hoạt động giám định tư pháp về lâm nghiệp. - Xây dựng cơ chế riêng để thu hút nguồn lực theo hướng xã hội hóa giám định tư pháp về lâm nghiệp; huy động được các cơ quan, đơn vị, tổ chức chuyên môn của nhà nước và ngoài nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp về lâm nghiệp; chủ trọng xây dựng cơ chế ưu đãi riêng đối với các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập về lâm nghiệp (như miễn thuế thuê đất, tạo điều kiện vay tiền mua trang thiết bị…). - Quan tâm về việc nâng mức bồi dưỡng giám định tư pháp đối với người giám định tư pháp theo vụ việc và người giúp việc cho người giám định tư pháp; bảo đảm số lượng, chất lượng cá nhân, tổ chức giám định tư pháp về lâm nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác; từng bước bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc và các điều kiện cần thiết khác cho người giám định tư pháp theo vụ việc để thực hiện hiệu quả công tác giám định tư pháp về lâm nghiệp. - Các sở, ngành quan tâm, phối hợp với các bên có liên quan mở lớp tập huấn, bồi dưỡng hoặc cử tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp về lâm nghiệp nhằm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người giám định tư pháp theo vụ việc. - Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải định kỳ có sự trao đổi thông tin, thông báo kết quả sử dụng kết luận giám định đến trực tiếp các cá nhân, tổ chức giám định tư pháp về lâm nghiệp để rút kinh nghiệm chung. Ngoài ra, có chế độ, chính sách thi đua khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp nhằm thu hút cá nhân, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp về lâm nghiệp. Có thể khẳng định rằng, giám định tư pháp là một hoạt động bổ trợ tồn tại cùng với hoạt động tố tụng và không thể thiếu trong bất kỳ nền tư pháp nào. Xã hội càng văn minh thì quyền con người càng được nâng cao và tôn trọng, yêu cầu trừng phạt kẻ phạm tội càng đòi hỏi sự khách quan, khoa học, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội. Do đó, giám định tư pháp về lâm nghiệp ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết các vụ án trong lĩnh vực này, góp phần không nhỏ để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Trần Mạnh Luật (Trưởng Phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình)
Các tin đã đăng
|