Ngăn chặn triệt để hành vi lấn chiếm vỉa hè: Cần có giải pháp căn cơ
Cùng với sự phát triển của đô thị, những năm qua, tình trạng một bộ phận người dân trên địa bàn TP. Đồng Hới lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để làm nơi buôn bán, kinh doanh diễn ra khá phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy, gây mất an toàn giao thông. Mặc dù các cơ quan chức năng thành phố đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên diễn ra, cần có giải pháp phù hợp và “căn cơ” để ngăn chặn triệt để... Thực trạng "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi"
Tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để làm nơi buôn bán, kinh doanh diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là tại một số tuyến đường ở khu vực các chợ và tuyến đường trung tâm thành phố, như: Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, khu vực chợ Đồng Hới, chợ Nam Lý,… Nhiều nơi bị chiếm hết lối đi dành cho người đi bộ để bày bán, dự trữ hàng hóa. Bên cạnh đó, những người bán hàng rong, các quán cóc thường đậu xe trên vỉa hè hoặc ngay dưới lòng đường để buôn bán. Người đi đường thấy thế cứ dừng xe lại mua, không dừng đỗ xe đúng nơi quy định, làm cho vỉa hè, lòng đường càng thêm chật hẹp.
Theo Bí thư Đảng ủy phường Đồng Phú Hà Quốc Vương Anh, mặc dù các địa phương, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết triệt để. Điều này không chỉ làm cản trở người đi bộ, gây mất trật tự an toàn giao thông mà còn làm mất mỹ quan đô thị. “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trên là do ý thức chấp hành của người dân chưa tốt. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý thì tháo dỡ, di dời…, nhưng khi lực lượng chức năng rời đi thì lại tiếp tục lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để buôn bán. Bên cạnh đó, việc quản lý địa bàn chưa chặt chẽ, xử lý chưa mạnh tay của các địa phương cũng là một trong những nguyên nhân khiến vỉa hè, lòng lề đường thường xuyên bị lấn chiếm”, Bí thư Đảng ủy phường Đồng Phú Hà Quốc Vương Anh lý giải thêm.
Để xử phạt các hành vi vi phạm này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, ngày 28/12/2021). Như vậy, có thể thấy rõ rằng, việc lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè không phải không có quy định để xử lý mà còn vướng mắc ở chỗ áp dụng pháp luật chưa nghiêm.
Cần giải pháp phù hợp
Đa phần ý kiến người dân cho rằng, nếu chỉ xử phạt thôi thì không thể giải quyết triệt để tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng, lề đường để kinh doanh, buôn bán, cần có giải pháp khả thi hơn. Thực tế có nhiều trường hợp việc buôn bán trên vỉa hè chính là thu nhập nuôi sống cả gia đình nên chính quyền cần có giải pháp để tạo điều kiện sắp xếp cho họ một địa điểm thích hợp để tiếp tục mưu sinh. Thay vì cấm, nên xem xét cho phép sử dụng vỉa hè và quản lý việc này thông qua các quy định cụ thể.
Vì vậy, UBND thành phố đã có văn bản về nghiên cứu, đề xuất danh mục công trình, tuyến phố được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán. Nếu sớm được triển khai thì đây sẽ là giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh đối với tình trạng vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường; tạo điều kiện cho các hộ dân kinh doanh, nhà hàng có mặt tiền đường được sử dụng vỉa hè.
Một bộ phận người dân bán hàng rong, quán cóc trên địa bàn thành phố ngày càng gia tăng. Họ có mặt ở các địa điểm trung tâm, lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để buôn bán mà không chịu sự quản lý về vệ sinh thực phẩm hay bảo đảm vệ sinh môi trường. Họ không có khả năng thuê các mặt bằng để mở quán, mà nếu thuê mặt bằng thì không thể bán với giá bình dân...
Do vậy, một giả thiết cần sự linh động nữa là sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng trong việc xem xét có thể kết hợp quy hoạch tổ chức lại không gian vỉa hè hài hòa lợi ích giữa người dân và cảnh quan đô thị, để mọi người dân đều hưởng lợi từ vỉa hè. Ngoài việc dành cho người đi bộ thuận lợi, vỉa hè cũng có thể tận dụng để phát triển kinh tế với các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, thưởng lãm nghệ thuật đường phố, tuy nhiên phải bảo đảm an toàn giao thông.
Điều cần lưu tâm nữa, đó là với việc xác định du lịch là mũi nhọn của thành phố, đòi hỏi cần xây dựng tầm nhìn quy hoạch xa hơn, dài hạn hơn, phải quy hoạch từng khu vực, tổ chức không gian hài hòa, địa điểm phù hợp các khu ăn uống, trung tâm hàng rong, để tạo điều kiện cho người dân bán hàng rong, quán cóc.
Thiết nghĩ, đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có sự định hướng dài hạn trong công tác quy hoạch của thành phố với định hướng đưa du lịch là mũi nhọn, vừa đáp ứng phát triển du lịch, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân; đặc biệt là sự chung sức của các cấp chính quyền và người dân sinh sống trên địa bàn thành phố vì mục tiêu chung xây dựng TP. Đồng Hới, trung tâm tỉnh lỵ giàu đẹp, văn minh.
Theo báo Quảng Bình
Các tin đã đăng
|