Ngành kiểm sát nhân dân tỉnh tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng và triển khai thi hành Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018
“Đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và Nhân dân ta hiện nay. Nó góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân”. (Trích Nghị quyết số 14/NQ/TW ngày 15/5/1996 của Bộ Chính trị khóa VII về lãnh đạo đấu tranh chống tham nhũng) Xác định chống tham nhũng là cuộc đấu tranh hết sức phức tạp, trong đó ngành Kiểm sát đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã thường xuyên chú trọng quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Ngành về công tác phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, ngay sau khi Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 được Quốc Hội thông qua và có hiệu lực thi hành, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo cơ quan đã kịp thời chỉ đạo, triển khai và tổ chức quán triệt thực hiện đến toàn thể cán bộ, công chức và người lao động trong ngành Kiểm sát tỉnh Quảng Bình để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Xuất phát từ chức năng nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân trong việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, xác định đây là chức năng có vị trí vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh luôn thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn trong việc giải quyết các vụ án hình sự về tham nhũng; tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao trách nhiệm trong việc thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng; đảm bảo việc xử lý tội phạm tham nhũng nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định trong quản lý, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch; quán triệt đến cán bộ, công chức toàn Ngành vai trò vị trí quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng; lấy kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nhằm tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong toàn Ngành, Ban cán sự Đảng VKSND tỉnh đã ban hành Nghị quyết giao cho Phòng Thanh tra là đơn vị đầu mối trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện. Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tham mưu cho Ban cán sự đảng, Viện trưởng lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành về công tác phòng, chống tham nhũng; xây dựng và tham mưu việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng; theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả theo quy định. Đồng thời, tham mưu với Viện trưởng xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về hành vi tham nhũng trong Ngành. Theo dõi, đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về minh bạch tài sản, thu nhập; đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý nghiêm đối với hành vi tham nhũng, hành vi trả thù, trù dập người tố cáo hoặc hành vi lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống người khác, gây mất đoàn kết nội bộ. Để công tác phòng, chống tham nhũng của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình được thực hiện một cách hiệu quả, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, năm 2019 và những năm tiếp theo VKSND tỉnh xác định thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: * Trong công tác phòng ngừa tham nhũng - Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với việc thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”. - Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế, định mức, tiêu chuẩn, chế độ của từng cơ quan, đơn vị; trong đó tập trung vào các vấn đề về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động, về quản lý, sử dụng tài chính và tài sản; trách nhiệm giải trình... - Xây dựng, hoàn thiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị để bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; trong đó tập trung vào việc kiểm soát xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ; dự báo tình hình và khả năng tác động không đúng đắn đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ để có giải pháp phù hợp. - Tăng cường việc chuyển đổi vị trí công tác, nhất là đối với người có chức vụ, chức danh tư pháp như: Kiểm sát viên, Kiểm tra viên. - Chủ động xác định lại đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai hằng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ để triển khai đúng theo quy định mới của Luật. Tăng cường phối hợp với các cơ quan thanh tra cùng cấp trong việc thực hiện các biện pháp kê khai tài sản, thu nhập; kiểm soát và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị. - Tăng cường trách nhiệm chỉ đạo trong công tác kiểm tra và tự kiểm tra; áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với công chức thuộc quyền quản lý khi có vi phạm pháp luật về PCTN; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. - Tiếp nhận, xử lý phản ánh, tố cáo và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng; báo cáo và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng. * Trong đấu tranh chống tội phạm tham nhũng - Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, VKSND hai cấp tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan giám sát, thanh tra, điều tra để giải quyết kịp thời, có hiệu quả các kiến nghị khởi tố, đưa ra khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các tội phạm tham nhũng; tích cực trong thu hồi tài sản tham nhũng cho Nhà nước. - Tổ chức thực hiện, chỉ đạo công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng. Trong quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng cần xử lý nghiêm người có hành vi tham nhũng dù người đó đang giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác; xem xét tăng hình thức kỷ luật đối với người có hành vi tham nhũng nếu họ là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nếu họ chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng; kịp thời xử lý hành vi tham nhũng khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm; đặc biệt, chú trọng những vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nguyễn Xuân Sanh VIỆN TRƯỞNG VKSND TỈNH QUẢNG BÌNH
Các tin đã đăng
|