Người dân hỏi, luật gia trả lời
Hỏi: Thi công làm rung, nứt nhà, công trình của dân có bị phạt không? Trả lời: Khoản 1, Điều 18, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, ngày 18/11/2016 của Chính phủvề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định hình thức xử phạt, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm độ rung trong hoạt động xây dựng như sau:
a) Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung dưới 2 dB.
b) Phạt tiền từ 1-5 triệu đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 2 dB đến dưới 5 dB.
c) Phạt tiền từ 5-20 triệu đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 5 dB đến dưới 10 dB.
d) Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 10 dB đến dưới 15 dB.
đ) Phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 15 dB đến dưới 20 dB.
e) Phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 20 dB đến dưới 25 dB.
g) Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 25 dB đến dưới 30 dB.
h) Phạt tiền từ 100-120 triệu đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 30 dB đến dưới 35 dB.
i) Phạt tiền từ 120-140 triệu đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 35 dB đến dưới 40 dB.
k) Phạt tiền từ 140-160 triệu đồng đối với hành vi gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 40 dB trở lên.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân thi công làm nứt nhà, công trình của dân thì phải bồi thường thiệt hại cho người dân theo thực tế đã gây ra thiệt hại. Để được giải quyết, người dân cần làm đơn yêu cầu gửi chính quyền, thủ trưởng đơn vị có phương tiện thi công để thực hiện việc bồi thường. Đơn vị thi công phải trực tiếp xem xét thực tế thiệt hại, lập biên bản hai bên thống nhất về mức bồi thường. Trường hợp không thống nhất thì phải mời đơn vị thẩm định thiệt hại để có căn cứ bồi thường theo quy định. Nếu không đồng ý thì khởi kiện ra tòa để được giải quyết.
Hỏi: Bãi trung chuyển rác ở thôn, xóm, tổ dân phố trước khi cơ quan môi trường thu gom chở đi bãi thải chung xử lý, mùi hôi thối ảnh hưởng đến môi trường sống của khu dân cư xung quanh thì bị xử lý như thế nào? Phải kiến nghị đến ai để giải quyết dứt điểm tình trạng này?
Trả lời: Tại Điều 5, Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND, ngày 29/1/2018 của UBND tỉnh quy định:
Việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện như sau:
a. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của các tổ chức, cá nhân trong vùng được bao phủ dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được đơn vị chuyên trách trực tiếp thu gom, vận chuyển đến cơ sở xử lý trên địa bàn.
b. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của các tổ chức, cá nhân ngoài vùng bao phủ dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được đơn vị thu gom do UBND cấp xã, cấp huyện thành lập hoặc đơn vị được đặt hàng thu gom, vận chuyển về trạm trung chuyển hoặc đến cơ sở xử lý trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại đơn vị cấp huyện giao cho Ban Quản lý các công trình công cộng, tại TP. Đồng Hới giao cho Công ty CP Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình hoặc các tổ, đội tự quản vệ sinh thực hiện.
Do đó, trong trường hợp có phản ánh, kiến nghị của công dân thì gửi đơn về UBND cấp huyện, UBND cấp xã, phường nơi phát sinh sự việc để được xem xét giải quyết dứt điểm.
Theo Hội Luật gia tỉnh (Báo Quảng Bình)
Các tin đã đăng
|