Người dân hỏi, luật gia trả lời
Hội Luật gia tỉnh giải đáp pháp luật thông qua chuyên mục Báo Quảng Bình
1. Hành vi xả nước thải sinh hoạt trực tiếp ra đường thôn, xóm có bị xử phạt không? Mức phạt bao nhiêu? Ai có quyền xử phạt?Trả lời: Theo quy định tại khoản 18, Điều 1, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP, ngày 24/5/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Điểm c: Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Đối tượng là tổ chức thì mức phạt gấp đôi.
Thẩm quyền xử phạt: Chủ tịch UBND cấp xã, Công an cấp xã.
2. Xả rác thải bừa bãi ra đường, nơi công cộng bị phạt không? Mức phạt thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 18, Điều 1, Nghị định số 55/NĐ-CP, ngày 24/5/202 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:
c) Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;
d) Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt, trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố.
Đối tượng là tổ chức thì mức phạt gấp đôi.
3. Đốt rác gây khói bụi có bị phạt không? Mức phạt bao nhiêu?
Trả lời: Trường hợp nếu hành vi đốt rác tại các địa bàn có dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì căn cứ quy định tại khoản 4, Điều 20, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, ngày 18/11/2016 của Chính phủ: “Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định” đối với cá nhân. Nếu là tổ chức thì mức phạt nhân đôi.
Trường hợp tại các địa bàn chưa có dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện theo quy chế, quy định của địa phương.
4. Hành vi gây tiếng ồn trong khu dân cư, trường học, bệnh viện có xử phạt vi phạm hành chính không? Mức phạt như thế nào?
Trả lời: Hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn tùy theo mức độ nặng nhẹ mà có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 17, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:
“1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 2 dBA.
2. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 22 dBA đến dưới 5 dBA.
3. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 5 dBA đến dưới 10 dBA.
4. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA.
5. Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA.
6. Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA.
7. Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA.
8. Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA.
9. Phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 140 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA.
10. Phạt tiền từ 140 triệu đồng đến 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA".
Đối tượng là tổ chức thì mức phạt gấp đôi.
Ngoài ra, tại các điểm a, b khoản 1, Điều 8, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình còn quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau;
b) Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của bệnh viện, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung.
Hội Luật gia tỉnh
Các tin đã đăng
|