Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 67 về một số chính sách phát triển thủy sản
Sau 09 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và các chính sách phát triển thủy sản đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân; mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm, số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng; tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển. Việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP có tác động rất lớn đến sự phát thủy sản, bên cạnh đó còn góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc phòng. Ngư dân hoạt động trên biển chính là những "công dân biển", khẳng định chủ quyền biển, đảo phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần ngăn chặn và hạn chế tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP vẫn gặp nhiều vấn đề như: cơ sở hạ tầng thủy sản còn bất cập, chưa đáp ứng thực tế; một số trường hợp chất lượng tàu cá vỏ thép chưa tốt, nhận thức của ngư dân về sử dụng, duy tu, bảo dưỡng tàu cá vỏ thép còn hạn chế, lạc hậu; số lượng và chất lượng thuyền viên chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu ở mức. Các vấn đề, bất cập trên xuất phát từ: (1) Việc bố trí nguồn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá thiếu, không đồng bộ; (2) Công tác phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn còn chưa chặt chẽ, vẫn để lọt nhiều chủ tàu không đủ điều kiện nhưng vẫn được vay đóng tàu; (3) Công tác thẩm định, phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh cần được nâng cao, nhất là việc đánh giá các yếu tố tác động đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh; (4) Một số ngư dân cho đây là tiền hỗ trợ của Nhà nước nên có tư tưởng lợi dụng, chây ỳ, không trả nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ; (5) Ngư dân thiếu hiểu biết về tàu vỏ thép, thiếu kỹ năng khai thác vận hành trang thiết bị hiện đại... Lễ ký Hợp đồng đóng tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP tại Quảng Bình. Ảnh: sưu tầm intenet Để thực hiện các chủ trương, chính sách, chiến lược về phát triển thủy sản; đồng thời, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, rất cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn để ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ, huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển thủy sản, việc xây dựng và thực hiện “Nghị định về chính sách phát triển thuỷ sản” thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ là cần thiết, nhằm đảm bảo các mục tiêu: Xây dựng Nghị định về chính sách phát triển thuỷ sản nhằm hoàn thiện chính sách được giao, tạo động lực cho phát triển thủy sản theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nhằm thúc đẩy phát triển thuỷ sản xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và phát triển bền vững. Mặt khác, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67; Chính phủ chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu xây dựng nghị định mới hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 với các chính sách mới về phát triển thủy sản, thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro vì nguyên nhân khách quan, bất khả kháng... Lê Văn Mạnh – Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình
Các tin đã đăng
|