Nhưng trên tuyến biển, tình hình tội phạm, vi phạm về BL, GLTM, HG lại diễn ra rất phức tạp. Ðặc biệt là hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép mặt hàng có lợi nhuận cao như vàng, dầu diesel, than, hàng thủy sản, pháo nổ, hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng đông lạnh.. Còn trên tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, các đối tượng buôn lậu lại thường tập trung vào hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu, nhất là các chất ma túy, vàng, kim cương...
Tại thị trường nội địa, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng đã đẩy mạnh sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhất là trang thiết bị y tế và hàng hóa liên quan tới phòng, chống dịch Covid-19 như khẩu trang, đồ bảo hộ, nước sát khuẩn. Ðể qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội làm nơi buôn bán, sau đó, tìm những địa điểm đang xây dựng, địa hình đi lại khó khăn, sâu trong các ngõ nhỏ để làm nơi cất giấu hàng hóa, thậm chí lợi dụng việc được ưu tiên lưu thông qua “luồng xanh” để vận chuyển hàng cấm, hàng giả, nhập lậu.
Những tháng cuối năm là thời điểm các đối tượng đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, tập kết hàng hóa, nguyên liệu phục vụ gia công sản xuất để đưa hàng hóa tiêu thụ trên thị trường.
Do đó, các lực lượng chức năng như Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường cần nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng BL, GLTM, HG; nắm chắc đối tượng chủ mưu, cầm đầu để đề ra nhiều giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm. Từ đó, xác định trọng tâm, đánh trúng, đánh đúng vào các đường dây, ổ nhóm; đấu tranh ngăn chặn, triệt phá các vụ vi phạm, không chạy theo sự vụ...