Tình hình, kết quả công tác quản lý thị trường tháng 4/2023
Tháng 4 năm 2023, các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ tại địa bàn tỉnh Quảng Bình nhìn chung ổn định. Hàng hóa trên thị trường phong phú, đa dạng về mẫu mã và chủng loại, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và thị hiếu của người dân. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác giữ mức ổn định, nguồn cung dồi dào. Trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình, chưa xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa hoặc hiện tượng đầu cơ, tích trữ hàng hóa, tăng giá bán bất hợp lý. Trên thị trường nội địa, tình hình kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm trong lĩnh vực giá, an toàn thực phẩm vẫn còn diễn ra. Tuy nhiên, quy mô của các vụ việc vi phạm nhỏ, trị giá hàng hóa vi phạm thấp, hàng hóa vi phạm được phát hiện tập trung ở các nhóm hàng: mỹ phẩm, giày dép, áo quần,… Quá trình kiểm tra, kiểm soát, các Đội Quản lý thị trường đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các Phòng chuyên môn, Đội Quản lý thị trường trực thuộc tập trung triển khai thực hiện các Kế hoạch: Kiểm tra định kỳ năm 2023; đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2023; kiểm tra chuyên đề về hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2023; triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2023; Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025. Các hoạt động kiểm tra, kiểm soát đã được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Việc triển khai thực hiện công tác quản lý thị trường trên một số lĩnh vực như: lĩnh vực giá; hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xăng dầu; an toàn thực phẩm; chống hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức đạt hiệu quả cao, qua đó đã góp phần ổn định thị trường và bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phát triển. Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để nắm thông tin, tình hình bán hàng của các cửa hàng, địa điểm kinh doanh xăng dầu, nguồn hàng dự trữ và nguồn cung cấp của các thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn được giao quản lý nhằm kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp phân phối xăng dầu, các cửa hàng bán lẻ, địa điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn nghiêm chỉnh chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đã phát hiện 37 vụ vi phạm; đã xử lý 33 vụ với 35 hành vi vi phạm; đang trong quá trình xử lý 04 vụ. Trị giá tang vật vi phạm hành chính bị tạm giữ 74.090.000 đồng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền bán tang vật tịch thu, giá trị tang vật tịch thu tiêu hủy, buộc tiêu hủy là 267.064.000 đồng, trong đó: xử phạt vi phạm hành chính 128.250.000 đồng; bán tang vật tịch thu 62.800.000 đồng; tang vật vi phạm bị tịch thu tiêu hủy 45.570.000 đồng; tang vật vi phạm buộc tiêu hủy 30.444.000 đồng. Tổng số tiền đã nộp ngân sách nhà nước trong kỳ là 197.050.000 đồng (trong đó, thi hành 01 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính kỳ trước chuyển sang với số tiền 6.000.000 đồng). Minh Hương (Phòng Nội chính)
Các tin đã đăng
|