Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) Luận điệu xuyên tạc về chính sách đối với thương binh, bệnh binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng
Chính sách đối với thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng là bộ phận quan trọng trong chính sách xã hội nhằm thực hiện an sinh xã hội, tạo động lực phát triển đất nước, đồng thời mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Tuy nhiên, lợi dụng những vấn đề còn tồn tại trong thực thi chính sách, thời gian qua các thế lực thù địch đưa ra những luận điệu xuyên tạc về chính sách làm sai lệch ý nghĩa, cũng như sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh Những luận điệu xuyên tạc trơ trẽn Vẫn là bài cũ vở mới, lợi dụng những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện chính sách với người có công các thế lực thù địch đã cố tình bới móc, lật tìm để lợi dụng, bịa đặt, thổi phòng, quy chụp, vu cáo, hồng phủ nhận, xuyên tạc những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác “đền ơn đáp nghĩa”. Lợi dụng mạng xã hội, chúng đã tung ra những bài viết, video clip, một số tác phẩm báo chí, văn hóa… xuyên tạc chính sách rất trơ trẽn. Một mặt, chúng vu khống trắng trợn về chính sách, như cho rằng Đảng và Nhà nước ta “lãng quên” không quan tâm đến thương binh, người có công với cách mạng; hoặc, “nhà cầm quyền Việt Nam vô ơn với liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc, lãnh lẽo hương khói ngày giỗ các anh”; hoặc cho rằng Đảng và Nhà nước chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế, không chú trọng an sinh xã hội; hoặc, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ chưa được đãi ngộ xứng đáng; hay “tri ân những người có công với cách mạng và đất nước chỉ là hình thức để tuyên truyền”, rằng kinh tế Việt Nam chậm phát triển là do gánh nặng của chính sách xã hội, trong đó do chi nhiều đến thân nhân liệt sĩ, người có công… Nguy hiểm hơn, lợi dụng một số hạn chế sai phạm trong công tác thực hiện chính sách, chúng đã thổi phồng, bóp méo, cho rằng đó là bản chất của chế độ. Thời gian gần đây, khi tình hình kinh tế khó khăn, bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, chúng còn đưa ra những luận điệu cố ý mập mờ, đánh tráo giá trị “đổi trắng thay đen” nhằm xáo trộn tư tưởng, tạo hoài nghi về chính sách an sinh xã hội, ưu đãi đối với người có công của Đảng và Nhà nước… Đ/c Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thắp hương tưởng nhớ cụ Nguyễn Sum (xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa), là cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến chiến dịch Điện Biên phủ Mặt khác, chúng cố tình xuyên tạc, bóp méo nhằm đánh tráo sự thật lịch sử, bản chất cao đẹp về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công đối với cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bất chấp đạo lý, các thế lực thù địch, bất mãn, cơ hội chính trị, phản động đã tìm mọi cách, giở âm mưu thủ đoạn hạ thấp sự hi sinh của các anh hùng, chúng cho rằng “sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ là không cần thiết, vô nghĩa vì để hình thành chế độ cộng sản”; “sự hy sinh vô nghĩa do cả tin, bị lừa dối, bị Đảng Cộng sản lợi dụng cho mục đích chính trị”; chúng trắng trợn cho rằng đất nước được giải phóng là công lao của cả dân tộc chứ không phải riêng của các anh hùng liệt sĩ, vì vậy không cần quan tâm đến đối tượng này. Thâm độc hơn, chúng còn đánh đồng những giá trị chân chính của sự thật lịch sử, sự hi sinh thiêng liêng, cao cả của các anh hùng với những kẻ phản cách mạng, làm tay sai cho thực dân, những kẻ ác ôn, can tâm tàn sát nhân dân, đồng bào. Chúng còn lôi kéo, kêu gọi, tập hợp những đối tượng bất mãn, cơ hội hình thành các hội, nhóm, câu lạc bộ, nhóm cựu quân nhân… núp dưới các hình thức khác nhau để kích động biểu tình, viết tâm thư, thư ngõ, kiến nghị… nhằm lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin, gây bất ổn trong xã hội Có thể thấy, những thủ đoạn trên là không mới, nằm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, nhưng có điều kiện các thế lực xấu lại lợi dụng để lan truyền đến những bộ phận dễ kích động, cả tin nhằm suy giảm lòng tin, gây ra sự “chuyển hóa” trong một bộ phận xã hội. Đặc biệt, lợi dụng vào vấn đề người có công, là vấn đề nhạy cảm, những đối tượng có công lao lớn đối với đất nước, phủ nhận những chính sách, khoét sâu vào nỗi đau và sự mất mát để lái dư luận xã hội, thể hiện sự bất nhân, vô ơn, bạc nghĩa nhằm phục vụ mục tiêu chống phá thâm độc của chúng. Đây là những hành vi thấp hèn, bóp méo bản chất sự thật, tính chính nghĩa, quay lưng lại quá khứ, xúc phạm đến anh linh của các anh hùng liệt sĩ, tác động đến tư tưởng, tình cảm, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, cần lên án mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh bảo vệ quan điểm, chủ trương của Đảng, những chính sách của Nhà nước đối với người có công. Đảng và Nhà nước luôn giành sự quan tâm đặc biệt, triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều chính sách chăm lo người có công với cách mạng Cách đây 77 năm, ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật đối với người có công, thân nhân, tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ”[1]. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hinh sinh một phần xương máu của mình..., Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời, phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”[2] Thực hiện lời dạy của Bác, suốt 77 năm qua, dù mọi điều kiện nào, thời điểm nào Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác đền ơn, đáp nghĩa, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục. Chỉ thị số 14- CT/TW, ngày 19/7/2017, của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng” khẳng định: “Việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng; ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa để giúp các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, cải thiện cuộc sống”[3]. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định nhiệm vụ: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”[4]. Gần đây, Nghị quyết số 42-NQ/TW của Đảng, ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, xác định: “Chú trọng thực hiện chính sách ưu đãi với có công với cách mạng, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công, nhất là người ở vùng sâu, vùng xa, người gặp khó khăn trong cuộc sống… Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khuyến khích tổ chức cá nhân và toàn xã hội tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa””[5]. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, toàn hệ thống chính trị luôn quan tâm, chăm lo thực hiện chính sách, dành những điều kiện tốt nhất nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Trước hết, Nhà nước luôn không ngừng hoàn thiện, bổ sung thể chế, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật ngày càng đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý để thực thi chính sách người có công nhằm hướng đến đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, đúng đối tượng và kịp thời, chế độ ưu đãi ngày càng cao. Tính từ năm 2012 đến nay đã có 69 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, trong đó có 3 pháp lệnh của Quốc hội, 1 Chỉ thị của Bộ Chính trị, 1 Chỉ thị của Ban Bí thư, 2 Nghị quyết của Chính phủ, 11 Nghị định của Chính phủ, 10 Quyết định của Chủ tịch nước, 2 Chỉ thị và 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 29 Thông tư và Thông liên tịch của các bộ, ngành[6]. Đồng thời, các địa phương, ngành, địa phương, tổ chức trong cả nước quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, thực hiện chăm lo người có công ngày càng thiết thực, hiệu quả. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được tổ chức rộng khắp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nhất là đối với thế hệ trẻ về những cống hiến, sự hi sinh anh dũng của các thế hệ cha anh luôn được đẩy mạnh. Tích cực chăm lo người có công bằng nhiều chương trình lớn như Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc thân nhân liệt sĩ, già yếu neo đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, hành trình về nguồn, về các địa chỉ đỏ, dâng hương thắp nến tri ân… mang dấu ấn sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trở thành phong trào tự nguyện, rộng khắp thể hiện đạo lý, truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta. Đồng thời, những chính sách cụ thể, tác động trực tiếp đến các đối tượng ngày càng phát huy hiệu quả như chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế, hỗ trợ vay vốn, cải thiện nhà ở, đất đai; các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ… Những kết quả không thể phủ nhận Hiện nay, ở nước ta có trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140 ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 80 ngàn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, gần 185 ngàn bệnh binh, trên 320 ngàn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học… Thực hiện chính sách, cả nước hiện có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng và hơn 280 ngàn thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Ngân sách Nhà nước chi ưu đãi người có công luôn tăng theo từng năm, riêng năm 2023, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là hơn 12,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là gần 4,9 nghìn tỷ đồng (trong đó dịp 27/7 là gần 1,65 nghìn tỷ đồng). Cùng với lộ trình tăng lương cơ sở, mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công luôn được điều chỉnh phù hợp, không ngừng tăng lên. Theo khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 55/ NĐ-CP đã quyết định tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng, được thực hiện từ 1/7/2024, cao hơn mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức. Hiện có 99% số hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, việc hỗ trợ nhà ở cho hộ người có công sau rà soát đạt tỷ lệ gần 98%... Chính sách giáo dục đào tạo, hỗ trợ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe đối với người có công được quan tâm thực hiện hiệu quả. Mạng lưới các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng được quy hoạch tổng thể, rộng khắp trong cả nước với 65 cơ sở nuôi dưỡng, trang bị cơ sở vật chất ngày càng hiện đại đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng. Hiện có hơn 1 ngàn người có công được nuôi dưỡng tại các cơ sở. Mỗi năm giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 6 đến 8 nghìn trường hợp, đưa trên 580 nghìn lượt người có công đi điều dưỡng định kỳ... Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liêt sĩ được tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả với nhiều hoạt động. Trong 10 năm (2012-2022), cả nước đã tìm kiếm, quy tập được gần 19 ngàn bộ hài cốt, tiếp nhận hàng chục ngàn mẫu, xác định danh tính được trến 4 ngàn mẫu. Việc nâng cấp, tu bổ nghĩa trang, mộ liệt sĩ được tổ chức thường xuyên. Tính đến năm 2022, cả nước đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 công trình ghi công liệt sĩ trên khắp cả nước. Tất cả Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống luôn được chăm lo đời sống bằng nhiều việc làm cụ thể. Phong trào toàn dân chăm sóc các gia đình chính sách, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ngày càng tổ chức sâu rộng, trở thành nét đặc trưng trong đời sống văn hóa của toàn xã hội, tạo ra sức mạnh to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần đối với công tác chăm lo người có công. Thực tế cũng phải thừa nhận rằng, thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện ngày càng tốt, hiệu quả, đồng bộ và toàn diện chính sách người có công, thì vẫn còn những tồn tại, bất cập trong thực thi chính sách, như đâu đó vẫn còn những sai phạm xảy ra, nhất là một số cá nhân có hành vi trục lợi chính sách, khai man hồ sơ, làm giả hồ sơ để thu lợi bất chính, gây bức xúc trong dư luận. Nhưng không thể đánh đồng tất cả, không thể phủ nhận tất cả những thành quả đạt được. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đã góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng, tạo động lực phát triển đất nước, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đạo lý "uống nước, nhớ nguồn" tốt đẹp của dân tộc ta. Đồng thời, thực tiễn sinh động đó chứng minh rằng, mọi luận điệu xuyên tạc về chính sách đối với thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng đều là vô nghĩa. Nguyễn Văn Giang, Trường Chính trị Quảng Bình
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, t.15, tr. 616 [4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, t.II, tr.43 [5] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-quyet-42-NQ-TW-2023-doi-moi-nang-cao-chat-luong-chinh-sach-xa-hoi-xay-dung-To-quoc-589023.aspx [6] https://tuyengiao.vn/thuc-thi-chinh-sach-voi-thuong-binh-liet-si-va-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-150014
Các tin đã đăng
|