Một số vấn đề rút ra từ công tác giám sát đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh
Sau khi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 28-CT/TU, ngày 11/6/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 28), công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Hội nghị Sơ kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng 9 tháng đầu năm 2021 (Nguồn: Sưu tầm)
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh còn có những mặt hạn chế: công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 28 chưa thường xuyên, quyết liệt; hằng năm, ít ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chỉ thị. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục theo Chỉ thị số 28 nói riêng và về phòng, chống tham nhũng, lãng phí nói chung đạt hiệu quả chưa cao, chưa thay đổi căn bản nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí chưa phát huy được tác dụng; số vụ việc tham nhũng được phát hiện còn ít hoặc khi phát hiện xử lý chưa nghiêm; trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, còn nể nang, né tránh trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Một số yêu cầu, giải pháp về công tác giám sát về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong thời gian tới
1. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 28-CT/TU, ngày 11/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; hằng năm, đưa nội dung công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào chương trình công tác, chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ huyện ủy; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị lấy kết quả PCTN, lãng phí là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi địa phương, đơn vị trên địa bàn.
2. Tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn tăng số lượng tin bài, nội dung phù hợp theo từng địa bàn, đối tượng; chú trọng đăng tải các quy định của đảng, pháp luật của nhà nước, về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; những điển hình trong hoạt động về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
3. Hằng năm, có văn bản chỉ đạo các địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện thực chất, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí; phân công cán bộ cụ thể trực tiếp phụ trách công tác nội chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham mưu hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Xử lý theo quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đối với những nơi không thực hiện, thực hiện hình thức.
4. Thực hiện giao ban định kỳ hang quý đối với các cơ quan trong khối nội chính, chú trọng đánh giá việc làm được, chưa làm được trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí trong thời gian tới.
5. Phát huy vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Huy động sức mạnh quần chúng Nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của HĐND, các Ban HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức và các cơ quan, tổ chức, đơn vị để phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, lãng phí.
Lê Văn Mạnh - Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình