Nguy hại sách lậu từ “giang hồ mạng”
Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đang kiểm tra nhằm làm rõ nghi vấn sách lậu với hai cuốn sách “Bí kíp kinh doanh online” và “Đệ nhất kiếm tiền” của Huấn Hoa Hồng (tên thật là Bùi Xuân Huấn). Đại diện Cục khẳng định, không có nhà xuất bản nào tên là “SG” như thông tin in trên bìa sách; các tên sách cũng không có trong danh mục kế hoạch đăng ký xuất bản, danh mục sách lưu chiểu được xác nhận. Chưa kể, nội dung sách có rất nhiều sai sót, tác động tiêu cực đến văn hóa đọc và nhận thức của một bộ phận giới trẻ.
Huấn Hoa Hồng là một nhân vật được coi là “giang hồ mạng”, từng bị phát hiện dương tính với ma túy, phải đi cai nghiện bắt buộc. Trên mạng xã hội facebook, đối tượng này thường xuyên phát ngôn phản cảm, đăng tải clip về cuộc sống ăn chơi, lan truyền hành vi gây gổ giữa các đối tượng “giang hồ”. Đáng nói, mỗi nội dung đăng tải trên in-tơ-nét của nhân vật này lại thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi, chia sẻ, chủ yếu từ giới trẻ. Hiện tượng này gợi nhớ tới Khá Bảnh (tên thật là Ngô Bá Khá), đối tượng từng gây chú ý dư luận vì quá khứ bất hảo, thường xuyên đăng tải hình ảnh, phát ngôn nổi loạn, lệch chuẩn, phản cảm. Tháng 11-2019, Khá Bảnh bị TAND thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) tuyên phạt 10 năm 6 tháng tù về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Không chỉ thể hiện sự phản cảm trên in-tơ-nét, Huấn Hoa Hồng còn in ấn hai cuốn sách, rao bán với giá tiền 799.000 đồng, “khoe” rằng toàn bộ tiền thu được sẽ làm từ thiện và hiện đã có hơn 5.000 người đặt mua, trong đó có cả học sinh. Cũng theo nhân vật này, các cuốn sách chỉ bán theo kênh online. Xét về chất lượng “Bí kíp kinh doanh online” và “Đệ nhất kiếm tiền” không đáng được gọi là sách vì nội dung kể về kinh nghiệm bán hàng online thiếu thực tế, thếu tính tích cực, kết cấu lủng củng, nhiều lỗi chính tả. Nếu đây là sản phẩm sách lậu thì đã vi phạm Luật Xuất bản, chắc chắn phải chịu hình thức xử lý phù hợp, bị thu hồi, tiêu hủy. Trong trường hợp nội dung sách có những vi phạm nghiêm trọng sẽ bị truy cứu theo Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, việc lợi dụng mạng xã hội để kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội… như Huấn Hoa Hồng có thể bị xử phạt theo Điều 101 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 3-2-2020). Từ những hiện tượng gây ồn ào, phản cảm trên mạng xã hội như Huấn Hoa Hồng, Khá Bảnh… hay trước đó là Bà Tưng, Lệ Rơi, “công chúa Thủy Tề” Tùng Sơn…, dư luận không khỏi băn khoăn, lo ngại trước thái độ hưởng ứng, tương tác từ một bộ phận giới trẻ. Có thể mục đích ban đầu chỉ xuất phát từ sự tò mò, a dua; nhưng điều đó đã bộc lộ một số điểm tiêu cực về văn hóa, nhận thức xã hội. Thời gian gần đây, ngày càng xuất hiện thêm những trường hợp “giang hồ mạng”. Song, từ hiện tượng lan truyền các phát ngôn, hình ảnh phản cảm trên mạng in-tơ-nét chuyển sang xuất bản, in ấn sách đã góp phần làm tăng mức độ nguy hại về văn hóa, tác động đến nhận thức của một bộ phận công chúng, nhất là lớp trẻ. Hiện tượng ấy làm phức tạp thêm vấn nạn sách lậu đang hoành hành, ảnh hưởng xấu cho ngành xuất bản và văn hóa đọc. Vì vậy, ngoài những giải pháp mang tính định hướng, giáo dục từ gia đình, nhà trường, cộng đồng, thiết chế pháp luật..., các phương tiện thông tin, truyền thông cần tích cực vào cuộc, mạnh mẽ lên án sự kệch cỡm, coi thường pháp luật; tránh tiếp tay cho những hiện tượng không lành mạnh “nổi tiếng” thêm bằng cách đưa tin câu like, bày tỏ quan điểm không rõ ràng, thiếu chuẩn mực.
Các tin đã đăng
|