Nhiều lợi ích từ phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm
Tổ chức phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm là một trong những biện pháp để hiện thực hóa yêu cầu cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng công tác xét xử, góp phần hạn chế oan sai, bỏ lọt tội phạm. Thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp trong tỉnh đã chú trọng tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến, để mỗi thẩm phán nâng cao kiến thức, kỹ năng, trình độ nghiệp vụ, trong giải quyết, xét xử các loại vụ án. Giữa tháng 9/2024, TAND tỉnh mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng chục người bằng hình thức trực tuyến. Phiên tòa được truyền hình trực tiếp từ điểm cầu trung tâm TAND tỉnh đến điểm cầu phòng xử án trực tuyến tại Trại tạm giam Công an tỉnh, kết nối đến TAND cấp cao tại Đà Nẵng và TAND hai cấp của 12 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.
Bị cáo xét xử tại phiên tòa là Nguyễn Thị Thúy (SN 1984, ở thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh, Quảng Ninh). Đây là vụ án có nhiều bị hại và gây xôn xao dư luận trong thời gian dài trên địa bàn xã Hải Ninh. Theo cáo trạng, từ năm 2022-2023, Nguyễn Thị Thúy đã đưa thông tin gian dối để mượn tiền, làm thủ tục đáo hạn ngân hàng và hứa hẹn trả lợi nhuận cao gấp nhiều lần mức lãi suất ngân hàng. Tin tưởng vào lời hứa hẹn của Thúy, nhiều người dân ở xã Hải Ninh đã cho Thúy mượn tiền. Sau khi nhận được tiền, Thúy không thực hiện thủ tục đáo hạn ngân hàng như thông tin đưa ra mà chiếm đoạt để sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân và trả nợ cho người khác.
Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, trong khoảng thời gian trên, Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền hơn 50,2 tỷ đồng của 24 người bị hại. Trong số đó, Thúy tự nguyện trả cho các bị hại số tiền hơn 33 tỷ đồng. Hiện còn chiếm đoạt số tiền gần 17,2 tỷ đồng. Sau khi xem xét toàn diện hồ sơ vụ việc và kết quả phần tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Thị Thúy 19 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a, khoản 4, Điều 174, Bộ luật Hình sự; đồng thời buộc bị cáo phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
Theo thẩm phán chủ tọa Nguyễn Thái Sơn, việc lựa chọn vụ án nói trên để đưa ra xét xử rút kinh nghiệm bằng hình thức trực tuyến, bởi đây là vụ án nghiêm trọng, nổi cộm và được dư luận xã hội quan tâm. Hơn nữa, đây cũng là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản điển hình trên địa bàn tỉnh có số lượng tiền lừa đảo lớn và bị hại đông.
Sau phiên xét xử, lãnh đạo, thẩm phán tòa án các đơn vị tổ chức họp rút kinh nghiệm, đánh giá quá trình xét xử của HĐXX. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất, HĐXX đã điều hành phiên tòa đúng quy trình quy định, phân tích, đánh giá đúng tính chất hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng và đưa ra mức án nghiêm minh. Các ý kiến cũng góp ý thêm một số vấn đề cần rút kinh nghiệm để thẩm phán, HĐXX tiếp tục hoàn thiện trong quá trình xét xử.
Tương tự, trong tháng 9/2024, TAND TX. Ba Đồn cũng mở phiên tòa rút kinh nghiệm để xét xử 2 bị cáo về tội “Trộm cắp tài sản” và 1 bị cáo về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Phiên tòa được kết nối trực tuyến đến TAND tỉnh và các TAND cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Mặc dù, tính chất, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ việc không nghiêm trọng, song đây là loại tội phạm gây bức xúc trong dư luận trên địa bàn. Theo đó, xuất phát từ động cơ hám lợi và ý thức coi thường pháp luật, vào đêm 29 rạng sáng 30/5/2024, sau khi chuẩn bị đầy đủ các công cụ, phương tiện, Hồng liên hệ qua điện thoại với Nam sử dụng xe mô tô đi “câu trộm” 3 con chó ở xã Liên Trường, xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch). 3 con chó mà hai bị cáo chiếm đoạt có trị giá gần 2,5 triệu đồng.
Đáng nói, mặc dù Nguyễn Văn Lới biết rõ 3 con chó do trộm cắp mà có nhưng vẫn đồng ý mua để tiêu thụ nhằm mục đích kiếm lời. Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Ngọc Hồng (SN 1977, ở xã Hải Dương, Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) 11 tháng tù; Hoàng Văn Nam (SN 1977, ở xã Quảng Minh, TX. Ba Đồn) 9 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”; Nguyễn Văn Lới (SN 1970, ở phường Quảng Thọ, TX. Ba Đồn) 15 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Theo thống kê, trong năm 2024, tòa án 2 cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 60 phiên tòa trực tuyến, trong đó TAND tỉnh tổ chức 22 phiên xét xử. Đáng chú ý, trong số đó, các đơn vị tổ chức 11 phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm. Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Hữu Tuyến cho biết, sau mỗi phiên tòa, lãnh đạo, thẩm phán tòa án 2 cấp tham gia họp rút kinh nghiệm. Nội dung họp rút kinh nghiệm đánh giá những ưu điểm, tồn tại của thẩm phán tại phiên tòa, những vấn đề cần rút kinh nghiệm chung về nghiệp vụ, như: Công tác xây dựng, nghiên cứu hồ sơ vụ án; công tác chuẩn bị xét xử và xét xử tại phiên tòa và việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm... Nhất là các kỹ năng của thẩm phán tại phiên tòa, như: Thủ tục bắt đầu phiên tòa, điều khiển phần tranh tụng, tuyên án và tác phong, ứng xử, xử lý tình huống mới phát sinh tại phiên tòa... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết án, hạn chế án oan, sai, án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán.
Theo Báo Quảng Bình
Các tin đã đăng
|