Thanh toán không dùng tiền mặt và những đóng góp tích cực trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
Thời gian qua, thanh toán không dùng tiền mặt đã có những bước tiến mạnh mẽ, đem lại giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, toàn xã hội, góp phần minh bạch hóa giao dịch trong nền kinh tế và góp phần tích cực trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Số liệu mới nhất từ Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho thấy, năm 2024, hệ thống NAPAS xử lý 9,56 tỷ giao dịch thanh toán điện tử, tăng khoảng 30% về số lượng giao dịch so với năm 2023. Trong số đó, chuyển tiền dịch vụ nhanh NAPAS 247 tăng tương ứng 33,5% về số lượng giao dịch và 14,9% về giá trị giao dịch; dịch vụ chuyển tiền nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR tăng trưởng vượt trội, tương ứng tăng 118% so với cùng kỳ, chiếm 1/3 tổng số lượng giao dịch của dịch vụ chuyển tiền nhanh NAPAS 247. Trong khi đó, giao dịch trên ATM năm 2024 tiếp tục ghi nhận đà sụt giảm. Giao dịch qua ATM trên hệ thống NAPAS tiếp tục giảm 19,5% về số lượng và 19,1% về giá trị so với cùng kỳ (theo Hồng Anh, Báo Nhân dân).
Ảnh (nguồn Internet)
Kết quả trên phản ánh rõ nét nhu cầu sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi như chuyển tiền nhanh qua NAPAS 247, chuyển tiền/thanh toán bằng mã VietQR... Đồng thời, thấy rõ sự thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân về ứng dựng công nghệ mới trong lộ trình chuyển đổi số của quốc gia và nhận thức của người dân về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt trong kiểm soát minh bạch dòng tiền, chống thất thu thuế, hạn chế hoạt động kinh tế ngầm, giảm rủi ro rửa tiền. Điều này chứng tỏ, thanh toán không dùng tiền mặt đã có những bước tiến mạnh mẽ, đem lại giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, toàn xã hội, góp phần minh bạch hóa giao dịch trong nền kinh tế và góp phần tích cực trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Theo Luật PCTN năm 2018, việc phòng ngừa tham nhũng đóng vai trò thiết yếu trong công tác đấu tranh PCTN. Sự minh bạch thông tin là một đặc điểm nổi bật của thanh toán không dùng tiền mặt. Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong 6 nhóm biện pháp cơ bản để phòng ngừa tham nhũng, đã được quy định cụ thể tại Luật.
Khác với thanh toán bằng tiền mặt chỉ có 2 bên, thanh toán không dùng tiền mặt có sự tham gia của tối thiểu 3 bên. Các thông tin về giao dịch và các chủ thể trong giao dịch sẽ được ghi nhận và lưu trữ tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Để sử dụng dịch vụ thanh toán, khách hàng phải cung cấp thông tin định danh (khi mở tài khoản), tổ chức cung ứng dịch vụ phải kiểm tra xác thực khách hàng để kiểm soát các khâu sau. Do đó, thanh toán không dùng tiền mặt giúp nâng cao tính minh bạch, quản lý tốt hơn đối với các giao dịch trong nền kinh tế, bao gồm các giao dịch chi tiêu của Chính phủ (một trong các đối tượng của tham nhũng là tài sản công) góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa các hành vi tham nhũng. Thanh toán không dùng tiền mặt cũng là một công cụ quan trọng để kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn các hành vi rửa tiền, tẩu tán tài sản khi phát sinh các vụ việc, hành vi tham nhũng, đồng thời giúp truy thu các tài sản tham nhũng. Trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tài sản của các tổ chức, cá nhân được lưu dưới dạng giá trị tiền tệ tại các tài khoản trong các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, có thể giúp tăng cường hiệu quả trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (một trong các chủ thể của hành vi tham nhũng), thu hồi tài sản tham nhũng do nhiều chủ thể thực hiện với các biện pháp khác nhau có liên quan trực tiếp đến thanh toán không dùng tiền mặt như xác minh, truy tìm, truy thu và phong tỏa tài khoản (theo “Thanh toán không dùng tiền mặt góp phần phòng, chống tham nhũng”, https://thanhtra.com.vn).
Có lẽ chưa khi nào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta lại quyết liệt như giai đoạn hiện nay. Đây thực sự là một việc làm tất yếu khi mà tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực xảy ra ở nhiều lĩnh vực, ở không ít tầng lớp lãnh đạo, đảng viên. Và ngọn lửa đó đang được thổi bùng lên, lan tỏa ở khắp các ngành, các cấp, các cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Qua thực tế cho thấy, để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngoài các giải pháp đấu tranh khác nhau thì việc đẩy mạnh phương thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những pháp quan trọng hiện nay./.
Các tin đã đăng
|